Ba gương mặt trẻ của chuyên ngành âm nhạc ở Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 12/07/2022 11:00:19

ĐTO - Đó là Lê Quang Thịnh, Huỳnh Quang Linh và An Phương. Sở dĩ tôi chọn giới thiệu đôi chút về ba tác giả này là vì, họ không chỉ là những “người trẻ”, sung sức, thường xuyên có những tác phẩm được đánh giá cao, mà còn là những nhân tố tiên phong trong việc đưa tác phẩm của mình quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội, nhất là trên kênh YouTube.

Trước hết, nói về Lê Quang Thịnh. Anh hiện là Phó Hiệu trưởng của một trường THCS tại TP Sa Đéc. Vốn được đào tạo chuyên ngành Âm nhạc có trình độ cao đẳng và vừa hoàn thành trình độ cử nhân tại Trường Đại học Đồng Tháp, Lê Quang Thịnh hội đủ năng lực chuyên môn không chỉ về lĩnh vực giảng dạy mà còn cả lĩnh vực sáng tác.

Có thể khẳng định, Lê Quang Thịnh là một trong những tác giả sáng tác ca khúc sung sức nhất hiện nay tại Đồng Tháp. Ở bất cứ cuộc thi, cuộc vận động, cũng như các hoạt động âm nhạc nào, Lê Quang Thịnh cũng tích cực góp mặt và có những tác phẩm được ghi nhận, được đánh giá cao.

Lê Quang Thịnh đã có hơn 20 ca khúc đạt giải trong các cuộc thi lớn nhỏ khác nhau trong và ngoài tỉnh, trong đó có giải Ba cuộc thi ca khúc Đồng bằng sông Cửu Long năm 2013 (“Tôi yêu quê hương”) và 2 giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Quang Diêu của tỉnh Đồng Tháp lần thứ IV (“Về Tam Nông”; “Tân Hồng - vùng đất hứa”)...

Điều khá lý thú là, Lê Quang Thịnh không chỉ có những sáng tác “chính thống” với chất nhạc sang trọng, “bác học”, mà anh còn có một mảng ca khúc “thị trường” đậm chất bolero, lưu hành rộng rãi trên YouTube và trên một số mạng xã hội khác như Zalo, Facebook... Như là một xác nhận đáng tin cậy về năng lực chuyên môn, nhất là kỹ năng sáng tác ca khúc, trong năm nay, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã hoàn tất hồ sơ và gửi ra Hà Nội đề nghị kết nạp Lê Quang Thịnh vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Huỳnh Quang Linh là một cây bút sáng tác ca khúc dường như cùng thời với Lê Quang Thịnh. Anh cũng xuất thân từ Khoa Sư phạm Nghệ thuật, Trường Đại học Đồng Tháp, chuyên ngành cao đẳng sư phạm Âm nhạc. Ra trường, Huỳnh Quang Linh dạy học tại một trường THCS ở huyện Châu Thành.

Điều giống nhau giữa Huỳnh Quang Linh và Lê Quang Thịnh không chỉ ở sự sung sức trong hoạt động sáng tác, qua đó, có những tác phẩm được ghi nhận và đánh giá tốt mà còn ở hoạt động quảng bá, phổ biến tác phẩm của mình trên mạng xã hội một cách tích cực. Tương tự Lê Quang Thịnh và An Phương, Huỳnh Quang Linh cũng khá thông thạo về mạng internet, qua đó đã thường xuyên công bố tác phẩm của mình một cách tự tin, thậm chí còn có ít nhiều thu nhập từ YouTube...

Chưa có độ dày như Lê Quang Thịnh, nhưng thành tích trong sáng tác của Huỳnh Quang Linh cũng rất đáng nể. Xin nêu ví dụ bằng hai giải thưởng “chững chạc” của anh: ca khúc “Noi gương Bác Hồ” đạt giải C, Giải thưởng VHNT Nguyễn Quang Diêu tỉnh Đồng Tháp lần thứ IV; ca khúc “Ước mơ đẹp mãi mùa xuân” đạt giải C, Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt I (2016 - 2018).

Nhìn chung, chất nhạc trong ca khúc của Huỳnh Quang Linh, dù viết về các đề tài đương đại, hiện đại, nhưng nét nhạc truyền thống, nhất là phong vị dân ca hiện lên khá rõ nét. Đó là chưa nói, trong một số ca khúc của Huỳnh Quang Linh, phong cách bolero được tận dụng với nồng độ khá cao.

An Phương cũng là một nhà giáo dạy môn Âm nhạc tại một trường THCS ở huyện Tháp Mười. Anh cũng tốt nghiệp ngành sư phạm Âm nhạc tại Trường Đại học Đồng Tháp, lứa sau Lê Quang Thịnh và Huỳnh Quang Linh. Và vì thế, có thể nói, An Phương (tên thật là Lê Hồng Phương) đang là tác giả đang bước những bước đầu tiên trên con đường sáng tác ca khúc. Dù vậy, sự xuất hiện của An Phương đã tạo ra ít nhiều ngạc nhiên, thích thú cho khán, thính giả và với đội ngũ chuyên môn, trong đó có những nhạc sĩ và tác giả thâm niêm với chuyên môn cao, uy tín nhiều.

Như Huỳnh Quang Linh, An Phương đã có những ca khúc viết về nghề dạy học khá thành công mà tác phẩm “Giáo viên noi gương Bác”, đạt giải B, Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt II (2018 - 2020) là một ví dụ.

Tôi rất thích chất nhạc tươi tắn, trong trẻo và khá hiện đại trong các ca khúc của An Phương, nhất là phần tiết điệu. Anh vận dụng dân ca không quá “lộ” mà kín đáo “cài cắm” xen lẫn vào giai điệu ca khúc của mình. Điều này, với một cây bút trẻ là rất đáng vui mừng và trân trọng.

Dân ca đã là dân ca rồi, giờ đưa hết, đưa nhiều vào tác phẩm tân nhạc một cách đậm đặc như đây đó nhiều nhạc sĩ đã làm, có lẽ không phải là phương cách tối ưu và đáng noi theo, dù có biện hộ và diễn giải cách gì! Rất may, An Phương và một số tác giả khác đã không đi theo lối này. Và tôi, với tư cách một tác giả viết ca khúc và viết lý luận - phê bình âm nhạc cũng rất tán đồng, ủng hộ điều này.

Chuyên ngành VHNT nào cũng vậy thôi, “tre già măng mọc” là điều mong muốn tất yếu và thiết tha bậc nhất. Sau thế hệ các nhạc sĩ Thanh Tùng, Phạm Khiêm, Phạm Đức và các nhạc sĩ là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giờ đây, đã xuất hiện những gương mặt sáng tác ca khúc mới như Lê Quang Thịnh, Huỳnh Quang Linh, An Phương và một số tác giả trẻ khác. Đây chắc chắn là một tín hiệu rất vui của Phân hội Âm nhạc thuộc Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp.

Tiếp tục động viên, bồi dưỡng để những tác giả trẻ này dần đảm nhiệm vai trò, vị trí nòng cốt của âm nhạc tỉnh nhà trong hiện tại và tương lai là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn