Sân khấu cải lương - Tín hiệu vui
Cập nhật ngày: 10/07/2016 11:55:28
Thời gian qua, sự xuất hiện của hàng loạt chương trình sân khấu cải lương, điểm diễn cải lương mới đã góp phần làm hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống trên địa bàn TPHCM thêm sôi nổi. Các sân khấu lớn, nhỏ vừa ra mắt, tuy còn rất mới nhưng đã thu hút được sự quan tâm của công chúng mộ điệu. Đây chính là tín hiệu vui của sân khấu truyền thống sau một thời gian dài hoạt động lay lắt, lặng lẽ.
Một cảnh trong vở cải lương Xử bá đao Từ Hải Thọ. Ảnh: LÊ HOÀNG
Nhiều sân khấu sáng đèn
Cuối tháng 5-2016, Sân khấu Lê Hoàng (Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh) tổ chức biểu diễn trọn vở cải lương tuồng cổ Chung Vô Diệm hí Lỗ Lâm với sự tham gia của NSƯT Tú Sương, nghệ sĩ Chí Linh, Vân Hà, Võ Minh Lâm, Thanh Ngọc, Chí Cường, Hồng Lan, Hoàng Minh Vương, Thúy My…
Vở diễn “cháy” vé với lượng khán giả đến xem đông đảo, khán phòng 280 ghế không đủ đáp ứng. Chương trình nghệ thuật này do đạo diễn Trần Hào, nghệ sĩ Chí Linh và Sân khấu Lê Hoàng phối hợp thực hiện.
Theo kế hoạch, hàng tháng, sân khấu này sẽ tổ chức dàn dựng và biểu diễn một vở cải lương tuồng cổ, với mong muốn tìm kiếm lại lực lượng khán giả thích xem diễn trọn vở tuồng cải lương, đồng thời thu hút thêm sự chú ý của công chúng trẻ. Sau Chung Vô Diệm hí Lỗ Lâm, Sân khấu Lê Hoàng đã trình làng tiếp vở cải lương Xử bá đao Từ Hải Thọ (tác giả: Bửu Truyện, đạo diễn: Chí Linh) vào tối 25-6.
Giữa tháng 6-2016, Đoàn 3 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phối hợp với Sân khấu Nghệ thuật Sài Gòn - Asia Media, tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Vua vọng cổ - Soạn giả, NSND Viễn Châu tại khách sạn OSCAR Sài Gòn, số 68A Nguyễn Huệ, quận 1, với ý nghĩa kỷ niệm 100 ngày mất của soạn giả - NSND Viễn Châu, vinh danh cố soạn giả tài danh của cải lương - cổ nhạc miền Nam. Chương trình cũng là đêm diễn mở màn cho hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật định kỳ mỗi tháng hai đêm của Sân khấu Nghệ thuật Sài Gòn - Asia Media. Tổng đạo diễn - nghệ sĩ Quốc Kiệt cho biết: “Chúng tôi mong rằng khán giả yêu quý loại hình sân khấu cải lương sẽ ủng hộ sân khấu mới này - một kiểu sân khấu cải lương phòng trà, có không gian thoải mái, lịch sự, sang trọng, ấm cúng và gần gũi. Sân khấu mới chú trọng chất mộc mạc, chân phương, sử dụng toàn bộ nhạc cụ dân tộc…”.
Ngoài ra, vào 4 ngày 26, 27-8; 2 và 3-9, tại Nhà hát Bến Thành, Hội Sân khấu TPHCM, ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn (IDECAF) và Nhà hát Bến Thành phối hợp tổ chức dàn dựng và biểu diễn phục vụ công chúng vở cải lương Trung thần (tác giả, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt). Đây là vở cải lương đầu tiên mở màn cho dự án “Tôi yêu cải lương”, sẽ thường xuyên tổ chức biểu diễn các suất diễn nguyên vở tuồng cải lương, tái dựng và diễn các vở cải lương kinh điển: Tô Ánh nguyệt, Ngao Sò Ốc Hến, Kiều Nguyệt Nga, Đường gươm Nguyên Bá, Chiếc áo thiên nga, Máu nhuộm sân chùa, Dấu ấn giao thời… Đồng thời tạo điều kiện để các đạo diễn trẻ dàn dựng tác phẩm mới. Dự án cải lương có sự tham gia của nghệ sĩ sân khấu nhiều thế hệ.
Thời gian qua, chương trình tổng hợp Ba thế hệ và Về lại cội nguồn của NSƯT Kim Tử Long được tổ chức định kỳ tại rạp Công Nhân, cũng duy trì được hoạt động, thu hút được một lượng khán giả mộ điệu đến ủng hộ.
Nỗi lo đường dài
Chỉ trong một thời gian ngắn, TPHCM xuất hiện nhiều sân khấu, chương trình cải lương tươi mới, đa sắc, được những người làm nghệ thuật tâm huyết đầu tư thực hiện. Đây chính là tín hiệu vui cho lĩnh vực sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, không thể không suy tính đến việc tồn tại và phát triển lâu dài của những sân khấu cải lương, dự án cải lương mang tính xã hội hóa này. Thực tiễn đã cho thấy có nhiều mối nguy tiềm ẩn. Trước đây, NSƯT Vũ Luân từng bỏ tiền xây dựng điểm diễn cải lương tại Công viên Lê Thị Riêng, nhưng sau một số suất diễn, sân khấu đành tạm ngừng hoạt động vì thua lỗ. Sân khấu Sen Việt ra mắt công chúng với vài suất diễn vở cải lương Cõi thiêng tại rạp Công Nhân, rồi cũng lặng lẽ tan rã. Mặt khác, hiện nay thật không dễ tìm được người tâm huyết chịu đứng ra kêu gọi anh em nghệ sĩ tập hợp lại, cùng chung tay góp sức xây dựng các chương trình, vở tuồng sân khấu mang tính chuyên nghiệp, chất lượng để tất cả đều hướng về một mục đích: làm để sân khấu ngày một khởi sắc.
Nhiều nghệ sĩ sân khấu đã tâm tư rằng rất muốn làm nghề, muốn được cống hiến, được thăng hoa với nghệ thuật, nhưng một mặt vì cuộc mưu sinh nên cứ tất bật chạy show, thêm nữa là họ không tìm được “điểm tựa” của niềm tin, một “thánh đường” dành riêng cho sân khấu, để họ được cống hiến hết mình, rèn nghề và nâng cao tay nghề. Tâm tư đó cứ day dứt khôn nguôi.
Với thực tế đáng lo ngại ấy, bên cạnh tình yêu nghề, tâm huyết và sự nỗ lực làm nghề của các nghệ sĩ, đạo diễn, các ông, bà “bầu” sân khấu, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý văn hóa, các cấp, các ngành liên quan, nhằm kịp thời giúp cho hoạt động sân khấu thành phố có được điểm tựa vững chắc trên con đường hoạt động.
Tạo sức sống mới cho cải lương
Theo ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn: “Thời điểm này cần thiết phải tổ chức các suất diễn nguyên vở tuồng cải lương với sự đầu tư nghiêm túc, để góp phần tạo sức sống mới cho lĩnh vực sân khấu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và giải trí của nhiều khán giả mến mộ loại hình nghệ thuật sân khấu tuồng cổ”.
Đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ cũng chia sẻ: “Việc bắt tay thực hiện dự án “Tôi yêu cải lương” là sự mong chờ từ lâu của tôi và nhiều anh em nghệ sĩ. Tôi rất yên tâm khi hợp tác với ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn - người giỏi làm các khâu in - bán vé, tổ chức, quản lý; còn chúng tôi - các nghệ sĩ, đạo diễn sẽ tập trung lo về phần nội dung. Sự hỗ trợ hợp tác này sẽ phát huy thế mạnh của từng người và tôi nghĩ, theo thời gian, dự án sẽ thu hút được nhiều anh em nghệ sĩ cùng tham gia trên tinh thần chung tay xây dựng một sân khấu cải lương chuyên nghiệp, chất lượng, góp phần gìn giữ, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của ông cha, thế hệ đi trước đã xây dựng nên…”.
Ông “bầu” trẻ Lê Hoàng - Sân khấu Lê Hoàng tâm tư: “Tôi muốn xây dựng một sân khấu cải lương chuyên nghiệp bằng cách thức tổ chức thật tươm tất nội dung trình diễn, chất lượng, kiến tạo không gian thưởng thức nghệ thuật hấp dẫn, đạt hiệu quả cao về nghe nhìn nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu giải trí của khán giả. Bên cạnh việc dàn dựng những vở tuồng cải lương hồ quảng, sân khấu cũng sẽ trình làng những vở tuồng cải lương lịch sử Việt Nam, các vở cải lương tâm lý xã hội”.
|
|
|
THÚY BÌNH/SGGPO