Tạo đà phát triển phong trào đờn ca tài tử
Cập nhật ngày: 05/10/2016 09:51:18
ĐTO - Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh vừa tổng kết lớp tâp huấn cơ bản và nâng cao nghệ thuật ĐCTT tỉnh Đồng Tháp năm 2016. Suốt quá trình 3 tháng cùng tập luyện, các học viên đã hoàn thành được buổi thi cuối khóa. Lớp tập huấn có đến 152 người đăng ký, trong đó có 140 HV học tập thường xuyên và vượt qua được phần thi cuối khóa (có 29 HV học đờn, còn lại là HV học ca; 62 HV được xếp loại giỏi, 38 HV loại khá, còn lại trung bình). Các HV đạt phần thi cuối khóa được Trung tâm thực hành truyền dạy ĐCTT TP.Hồ Chí Minh cấp chứng chỉ là nghệ nhân thực hành truyền dạy ĐCTT. Các chuyên đề đợt tập huấn lần này chuyên sâu hơn. Ngoài thực hành, các HV được học những kỹ năng để về truyền đạt lại cho người địa phương hoặc cơ quan mình đang công tác, được tập huấn cách dàn dựng chương trình ĐCTT.
Một tiết mục tại tổng kết lớp tập huấn nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Đồng Tháp năm 2016
Cô Lê Thị Thu Liễu (59 tuổi) ngụ ấp Tịnh Hưng, xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh cho biết, mặc dù cô đã tham gia phong trào ĐCTT từ lúc 15 tuổi nhưng qua lớp tập huấn với những kiến thức bài bản, cô thấy mình được học hỏi rất nhiều. Qua lớp học này, cô sẽ về truyền dạy những kiến thức bổ ích cho con, cháu, những người hàng xóm của mình biết ca một cách bài bản.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Tấn cho biết, cách đây 3 năm, đoàn nghệ nhân của Trung tâm thực hành truyền dạy ĐCTT TP.Hồ Chí Minh đến Đồng Tháp mở lớp tập huấn nhưng chỉ tập huấn cơ bản, còn lớp tập huấn lần này có cả chuyên sâu để nâng cao kiến thức ĐCTT cho các HV. Cụ thể là có các chuyên đề về bài bản, diễn tấu, diễn suất, các trích đoạn và cả phong cách trình diễn. Lớp học tuy ngắn nhưng các HV chuyên cần, gắn bó với lớp, bất ngờ nhất là có trên chục HV quê tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An tham dự. Tuy nhiên, hạn chế cũng giống như lớp tập huấn lần trước là người học đờn còn khiêm tốn. Sắp tới, Trung tâm thực hành truyền dạy ĐCTT TP.Hồ Chí Minh có kế hoạch phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh mở khóa tập huấn đờn.
Phát biểu tại buổi lễ tổng kết lớp tập huấn cơ bản và nâng cao nghệ thuật ĐCTT tỉnh Đồng Tháp năm 2016, ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đề nghị các HV phát huy những gì đã học được tại lớp tập huấn để về cơ sở tích cực gầy dựng, phát triển phong trào ĐCTT tại đơn vị, địa phương. Với những kiến thức đã được học, khi trở về đơn vị không chỉ giúp đơn vị thêm mạnh mà còn là điểm sáng để qua đó có được những đội ĐCTT tham gia Liên hoan ĐCTT cấp tỉnh. Sở cũng sẽ tiếp tục duy trì Liên hoan ĐCTT cấp tỉnh để các nghệ nhân đờn ca được giao lưu, thể hiện tài năng của mình. Sắp tới, Sở sẽ tổ chức thêm lớp chuyên sâu về đàn, trong đó có dành cho nhóm nữ học đàn.
Những năm gần đây, thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã đưa hoạt động ĐCTT đến với đông đảo công chúng, góp phần nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT, nhất là cho thế hệ trẻ. Loại hình văn hóa truyền thống này phát triển đáng phấn khởi, phong trào rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Các địa phương trong tỉnh đã thành lập nhiều Câu lạc bộ ĐCTT thu hút đông đảo nghệ nhân tham gia hoạt động thường xuyên hơn trước, góp phần xây dựng phong trào, đào tạo và phát triển những hạt nhân trên lĩnh vực nghệ thuật ĐCTT ở cơ sở cả về chất lẫn lượng. Qua phong trào ĐCTT của tỉnh - trong đó có tập huấn nghệ thuật ĐCTT, các sở, ngành, huyện, thị, thành cần xem đây là nhiệm vụ cơ bản trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của địa phương; cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nhân rộng các nhân tố này, làm cho phong trào ĐCTT thật sự lan tỏa dưới cơ sở để trở thành một sân chơi - không gian văn hóa thường xuyên tại địa phương, đơn vị mình. Bên cạnh đó, ngành văn hóa tỉnh cần có kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng các nghệ nhân đờn ca của tỉnh Đồng Tháp để phong trào ĐCTT thật sự lan tỏa ở cơ sở.
Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã tổ chức được 3 lớp truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) cho hơn 400 học viên (HV) là các đối tượng công nhân, viên chức, người hưu trí, sinh viên, học sinh, các hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng tại Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã và các xã nông thôn mới.
|
Hữu Nghĩa