Cần chủ động các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh trên lúa hè thu 2017

Cập nhật ngày: 21/03/2017 06:43:22

ĐTO - Thời tiết nắng nóng kéo dài thời gian qua đã phát sinh nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại lúa vụ hè thu 2017. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Đồng Tháp đang tích cực kiểm tra đồng ruộng, khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả.


Phun thuốc trừ sâu đúng quy trình sẽ tăng hiệu quả phòng trừ sâu, bệnh trên lúa hè thu

Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống hơn 109.000ha diện tích lúa hè thu 2017. Trong đó, lúa đang ở giai đoạn mạ trên 28 ngàn ha; đẻ nhánh hơn 31 ngàn ha; làm đòng 42 ngàn ha; trỗ chín 8,1 ngàn ha. Từ đầu tháng 3 đến nay, các đợt nắng nóng đã làm phát sinh nhiều sâu bệnh gây hại, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời, nguy cơ lây lan ra diện rộng là không tránh khỏi.

Theo Chi cục TT&BVTV tỉnh, tình hình thời tiết diễn biến khá phức tạp nên một phần các diện tích lúa hè thu cũng bị nhiễm bệnh nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Trong tuần, rầy di trú với mật số thấp đến trung bình xuất hiện ở một số địa phương, cao điểm đêm 12 - 14/3 tại các bẫy đèn xã Phú Cường (huyện Tam Nông), Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh), Trường Xuân (huyện Tháp Mười), Bình Thành (huyện Lấp Vò) mật số rầy từ 4.000 - 19.000 con/bẫy/đêm; sâu cuốn lá có số diện tích nhiễm 93,2ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ, chủ yếu nhiễm nhẹ với mật số sâu 10 - 30 con/m2, giảm 46,8ha so với tuần trước; số diện tích bị muỗi hành tấn công khoảng 716ha trên lúa giai đoạn làm đòng - trỗ, trong đó có 56ha nhiễm nặng với tỷ lệ hơn 20 - 50% thuộc xã Hưng Thạnh, Phú Điền (huyện Tháp Mười); nhiễm trung bình 40ha; còn lại nhiễm nhẹ, tăng 150ha so với tuần trước.

Bệnh cháy bìa lá có số diện tích nhiễm khoảng 570ha trên lúa giai đoạn trỗ chín, chủ yếu nhiễm nhẹ với tỷ lệ bệnh 10 - 20%, tăng 140ha so với tuần trước. Ngoài ra, các đối tượng như: bù lạch, chuột, bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt,... cũng xuất hiện và gây hại chủ yếu ở mức nhẹ - trung bình.

Bà Trần Thị Loan ngụ xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò cho biết: “Mùa này, tôi chỉ xuống giống khoảng 4 công lúa. Mấy hôm nay thời tiết nắng nóng, tôi tranh thủ ra đồng tỉa dặm cho cây lúa đảm bảo tiến độ sinh trưởng. Nhằm tránh các loại sâu bệnh, nông dân phải thăm đồng thường xuyên để có biện pháp phòng trừ kịp thời”.

Để hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu, bệnh gây hại trên lúa hè thu, Chi cục TT&BVTV tỉnh khuyến cáo chính quyền các địa phương và nông dân cần tập trung kiểm tra, thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời các đối tượng sâu, bệnh gây hại cây trồng. Đồng thời, ngành chức năng tăng cường công tác dự tính, dự báo, kiểm tra, khoanh vùng diện tích lúa, cây trồng bị nhiễm cụ thể từng đối tượng sâu bệnh hại; kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và nông dân triển khai các biện pháp phòng trừ. Tập trung chăm sóc, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa theo đúng quy trình kỹ thuật “4 đúng” gồm: đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng - nồng độ.

Bên cạnh đó, nông dân phải tích cực theo dõi kỹ mật số rầy trên ruộng, nhất là lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - đòng trỗ để có biện pháp xử lý hiệu quả; khi rầy cám nở rộ tuổi 1- 3, mật số rầy cao hơn 3 con/tép, xử lý bằng thuốc trừ rầy chống lột xác; nếu mật số rầy cao với nhiều lứa gối nhau thì có thể phối hợp thuốc chống lột xác với thuốc có tác động lưu dẫn để tăng hiệu quả phòng trừ. Đối với muỗi hành, nông dân cần tiếp tục theo dõi tình hình gây hại trên các trà lúa đang giai đoạn mạ - đẻ nhánh, chú ý bón phân cân đối, hợp lý để lúa đẻ nhánh nhanh, tập trung, cung cấp đủ lượng phân lân và kali giai đoạn đầu của cây lúa (7 - 10 ngày sau sạ). Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý để lúa sinh trưởng và phát triển tốt nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng và lợi nhuận.

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn