Mở ra cơ hội cho sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo
Cập nhật ngày: 30/05/2017 07:27:17
ĐTO - Tự tìm tòi cách nghiên cứu giá thể mới để nuôi cấy thành công sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo, chị Đinh Thị Thanh Trúc - đại diện Công ty TNHH An An Đồng Tháp (TP.Cao Lãnh) đã mang lại luồng gió mới cho ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Phòng sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH An An Đồng Tháp
Con đường đưa nấm đông trùng hạ thảo đến với vùng đất Sen hồng Đồng Tháp của chị Đinh Thị Thanh Trúc khá gian nan, bởi mô hình nuôi nấm này quá mới mẻ, chưa từng được thực hiện ở địa phương. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết, khí hậu cũng chưa đảm bảo chắc chắn thành công hay không.
Tuy nhiên, chính sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm đã hun đúc cho chị Đinh Thị Thanh Trúc có thêm động lực phát triển. Để thỏa niềm say mê nghiên cứu, chị Trúc đã đầu tư kinh phí và dành nhiều thời gian tìm hiểu cách nuôi cấy nấm.
Đầu năm 2016, chị Trúc cùng gia đình thành lập Công ty TNHH MTV An An Đồng Tháp và bắt tay vào trồng nấm đông trung hạ thảo. Với kinh phí ban đầu khoảng vài trăm triệu đồng, chị tập trung đầu tư mua sắm, xây dựng những hệ thống cần thiết.
Ban đầu khởi nghiệp, chị Trúc gặp không ít khó khăn bởi kinh nghiệm nuôi cấy nấm chưa có, nhiều đợt bị hỏng vứt đi cả trăm lọ.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu đầy gian nan, chị Đinh Thị Thanh Trúc cho biết: “Việc nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo đòi hỏi những điều kiện rất khắt khe về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và vệ sinh. Khoảng 2 tháng đầu tiên, toàn bộ giống cấy xong đều hư hỏng phải đổ bỏ. Sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy do việc hấp vô trùng chưa đủ thời gian dẫn đến cơ chất bị nhiễm khuẩn. Và, trong nuôi cấy, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, khâu khử trùng và phối trộn tỷ lệ nguyên liệu là đặc biệt quan trọng, quyết định chất lượng của sản phẩm. Rút kinh nghiệm từ thất bại đó, sau này, mọi công đoạn trong quy trình sản xuất của cơ sở đều được kiểm tra hết sức kỹ lưỡng. Hiện tại, tỷ lệ giống cấy thành công đạt hơn 95%”.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất, chị Trúc đã chủ động mua sắm các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất như: máy hấp tiệt trùng, máy sấy, tủ cấy vi sinh, máy phun sương tạo độ ẩm... với tổng kinh phí khoảng 250 triệu đồng. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm từ đó cũng nâng lên, từng bước đáp ứng các yêu cầu khắt khe thị trường.
Thời gian đầu, diện tích sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của chị Trúc chỉ khoảng 30m2, đến nay đã mở rộng trên 300 - 400m2, với số tiền đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Hiện qui mô sản xuất của xưởng có thể nuôi cấy đến 10.000 lọ sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo (ở dạng tươi và dạng sấy khô).
Chị Đinh Thị Thanh Trúc chia sẻ: “Thời gian tới, ngoài các sản phẩm đã nghiên cứu thành công, tôi sẽ tiếp tục cho ra đời thêm dòng sản phẩm trà túi lọc và dạng trà kết hợp với nấm linh chi. Trong bước phát triển công ty, tôi sẽ luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì để bắt kịp xu thế thị trường. Hòa cùng bước phát triển kinh tế của địa phương, tôi cũng đang xây dựng khu nuôi trồng nấm thành điểm du lịch sinh thái”.
Để tiếp thêm động lực và san sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng “Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất trà túi lọc đông trùng hạ thảo” cho Công ty TNHH An An Đồng Tháp, mức hỗ trợ là 100 triệu đồng (từ nguồn khuyến công địa phương). Từ đây, đơn vị sẽ có điều kiện trang bị thêm các loại máy như máy đóng trà túi lọc, máy sấy... phục vụ tốt cho việc sản xuất.
Dù kết quả sản xuất còn khá khiêm tốn, song có thể khẳng định mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH An An Đồng Tháp mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đồng Tháp. Đặc biệt, mô hình này còn tạo ra cú hích để các doanh nghiệp khác trên địa bàn quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao như chủ trương của tỉnh hiện nay.
Hoài Minh