Nông dân và ước vọng khai thác giá trị hạt gạo chất lượng cao
Cập nhật ngày: 01/07/2017 06:32:03
ĐTO - Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn, nông dân ở Đồng Tháp đang nỗ lực thay đổi cách làm, phương thức sản xuất để thích ứng với tình hình mới. Song để phát huy hết tiềm năng vốn có của hạt gạo thì người nông dân rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp (DN).
Nông dân Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ, Tam Nông tâm huyết với mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn
Cần thay đổi tư duy sản xuất lúa gạo
Nhiều năm qua, tư duy về đẩy mạnh sản lượng trong sản xuất lúa thay vì đầu tư nhiều hơn cho chất lượng đã vô tình bó hẹp khả năng phát triển của hạt gạo Việt. Nếu như trước đây, Việt Nam được xem là “cường quốc” trong xuất khẩu gạo, thì giai đoạn gần đây Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển thị trường cho mặt hàng chiến lược này.
Hiện tại, các thị trường nhập khẩu truyền thống đang có khuynh hướng tự chủ về lương thực. Các nước này cũng bắt đầu áp dụng chương trình giám sát chặt chẽ, kiểm duyệt chất lượng gắt gao, gây bất lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thêm một nguyên nhân khác, nhiều quốc gia được xem là “sinh sau đẻ muộn” chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu gạo như Campuchia, Ấn Độ, Pakistan đang dần vươn lên, trở thành những đối thủ mạnh cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam. Không chỉ gặp khó khăn ở thị trường xuất khẩu, ngay thị trường nội địa với trên 90 triệu dân, hiện sản phẩm lúa gạo Việt Nam vẫn phải “nhọc nhằn” chinh phục khách hàng bởi sự cạnh tranh của các thương hiệu gạo đến từ: Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia...
Không phải tự dưng mà mặt hàng lúa gạo lại “mất phong độ” và vướng nhiều chướng ngại như hiện nay. Thời gian gần đây, việc nhiều lô gạo của DN Việt Nam bị Mỹ trả về do dư lượng các hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật đã thực sự là hồi chuông báo động cho các DN xuất khẩu gạo và người nông dân.
Trong bối cảnh tiêu chuẩn sống của thế giới ngày càng tăng và nhiều quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống đang tăng cường khả năng tự cung cấp lương thực, việc chạy đua theo số lượng không còn phù hợp, nếu không thay đổi tư duy trong sản xuất, gạo Việt sẽ lâm vào tình cảnh “tự lấy dây buộc mình”.
Nông dân tâm huyết nâng chất lượng hạt gạo
Với nông dân Đồng Tháp, câu chuyện về sản xuất lúa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, hay sản xuất theo quy trình nhằm giảm giá thành, nâng cao phẩm chất cho hạt gạo không còn câu chuyện xa lạ mà dần trở thành thói quen trong canh tác của người nông dân hiện nay. Nhiều nông dân và hợp tác xã rất nỗ lực trong việc xây dựng mô hình sản xuất lúa sạch, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ hay lúa an toàn.
Hợp tác - kết nối giúp hạt gạo vươn xa trong tương lai
Nhận thấy thị trường xuất khẩu gạo đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước ngày một cao hơn, ông Phan Công Chính - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Tân Bình, huyện Thanh Bình manh nha ý tưởng trồng lúa hữu cơ từ đầu năm 2016. Hiện tại, mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ của ông Chính đã mở rộng diện tích trên quy mô 10ha, bước đầu sản phẩm tiếp cận được với nhiều đối tác trong nước.
Ông Phan Công Chính chia sẻ: “Do muốn “số phận” hạt gạo của mình khác hơn nên tôi quyết tâm đeo đuổi mô hình trồng lúa hữu cơ. Từ lúa được trồng theo hướng hữu cơ tiến tới được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ là một câu chuyện dài. Hiện tại, do còn hạn chế về việc tiếp thị, phát triển thị trường cho sản phẩm nên sản phẩm lúa hữu cơ của chúng tôi vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Dù khó khăn nhưng tôi vẫn kiên trì vì theo quan điểm của tôi, đây là giải pháp hay mà nông dân có thể “cứu” hạt lúa trong thời điểm này”.
Đồng quan điểm như ông Chính, bà con xã viên ở HTX NN Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông cũng rất tâm huyết với chuyện làm sao để sản xuất lúa chất lượng hơn, an toàn hơn. Được ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn kết với liên kết tiêu thụ trong vụ lúa đông xuân 2017, bà con xã viên ở đây rất phấn khởi trước những kỹ thuật “vừa lạ vừa quen” mà ngành nông nghiệp chuyển giao.
“Chỉ là sạ thưa hơn, bón phân, phun thuốc ít đi và ghi chép theo khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp, kết hợp với trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch... nhưng đã giúp nông dân chúng tôi giảm được giá thành trên 700 đồng/kg lúa, từ đó lợi nhuận bình quân tăng gần 5 triệu đồng/ha. Mặt dù những cách làm này không mới nhưng thông qua mô hình, nông dân hiểu biết và trách nhiệm hơn trong quy trình sản xuất lúa” - ông Võ Văn Ức, xã viên HTX NN Phú Thọ phấn khởi chia sẻ.
Với những hiệu quả mà mô hình mang lại và sự ý thức trách nhiệm hơn của người nông dân trong canh tác lúa, vụ mùa hè thu năm 2017 này, mô hình vẫn được nông dân tiếp tục duy trì ở HTX.
Ông Mai Thanh Liêm - Giám đốc HTX NN Phú Thọ chia sẻ: “Trong bối cảnh xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn như hiện nay, bà con xã viên rất đồng tình với chủ trương phát triển sản xuất lúa an toàn của ngành nông nghiệp. Dù các vụ mùa tiếp theo HTX không được sự hỗ trợ của Nhà nước thì mô hình vẫn được chúng tôi duy trì và nhân rộng. Đây là nền tảng để chúng tôi tìm được đối tác tiêu thụ tốt. Trong năm 2018, HTX sẽ mở rộng sản xuất lúa an toàn trên diện tích toàn HTX như yêu cầu và nguyện vọng của xã viên. Đối với HTX, hiện đây là giải pháp tối ưu để sản phẩm lúa gạo của nông dân lấy lại được uy tín của mình...”.
Ngoài mô hình của ông Chính hay mô hình sản xuất lúa an toàn ở HTX NN Phú Thọ, hiện tại cũng còn nhiều mô hình tương tự khác đang được nông dân Đồng Tháp triển khai và nhân rộng.
Muốn vươn xa, nông dân không thể đi một mình
Mặc dù hiện nay, nông dân Đồng Tháp đã ý thức và trách nhiệm hơn trong việc sản xuất lúa gạo, nhiều mô hình triển vọng được nông dân phát triển và nhân rộng. Thế nhưng, các mô hình vẫn còn quy mô nhỏ lẻ, chưa mang tính phổ biến, do đó để phát triển ngành hàng này hiệu quả hơn, người nông dân rất cần sự giúp sức từ Nhà nước cũng như DN.
Theo ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương, để ngành hàng lúa gạo phát huy hết tiềm tiềm năng vốn có thì cần nhiều nỗ lực tự phía Nhà nước và DN. Trong đó, việc thay đổi các quy định và chính sách về xuất khẩu gạo là yêu cầu cấp bách. Bên cạnh đó, cần thay hình thức hợp đồng tập trung và hỗ trợ DN đàm phán trực tiếp bằng cung cấp thông tin thị trường, dự báo giá gạo và tiếp cận hệ thống phân phối ở nước ngoài... là các giải pháp cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nhằm giảm bớt khó khăn trong xuất khẩu gạo, hiện nhiều DN bắt đầu có những hướng đi và động thái mới. Tại Đồng Tháp, Công ty Lương thực Đồng Tháp đang thực hiện một số mô hình liên kết với nông dân như phát triển mô hình trồng lúa mùa xuất khẩu với nông dân tại huyện Tân Hồng.
Ông Trần Tấn Đức - Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết, việc xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu gạo. Để không phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu gạo tập trung thì cần phải mở rộng thêm các thị trường có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao. Để có được sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, DN cần phải có sự hợp tác của nông dân nhằm xây dựng mối liên kết lâu dài, qua đó tạo được vùng nguyên liệu ổn định cho DN và người nông dân có thêm sự chia sẻ lợi nhuận.
Để mối liên kết giữa DN và người nông dân được bền chặt rất cần có sự tham gia của chính quyền trong việc hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt để người nông dân trồng lúa theo quy trình chung, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc không vướng vào các danh mục thuốc cấm của các thị trường khó tính quy định. “Khi người nông dân sản xuất theo quy trình, DN xây dựng nhãn hiệu, tìm kiếm thị trường, có sự chia sẻ và hài hòa về lợi ích thì tôi tin chắc sẽ là giải pháp bền vững giúp mặt hàng gạo giải quyết được vấn đề đầu ra trong thời gian tới”, ông Đức bày tỏ.
Rõ ràng để khai thác được giá trị hạt gạo chất lượng cao là sự cố gắng, hợp tác - kết nối chặt chẽ giữa nông dân - DN - Nhà nước. Khi 3 nhân tố này cùng nỗ lực chung sức chung lòng, hạt gạo Việt sẽ được trả lại đúng giá trị của nó trong thời gian không xa.
Ông Phan Công Chính chia sẻ: “Do muốn “số phận” hạt gạo của mình khác hơn nên tôi quyết tâm đeo đuổi mô hình trồng lúa hữu cơ...”. |
Mỹ Lý