Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” có hiệu quả

Cập nhật ngày: 28/07/2024 10:51:27

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240728105348dt2-8.mp3

 

ĐTO - Các sở, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch số 221 ngày 18/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là phong trào) sát với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, người dân và cộng đồng doanh nghiệp nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tích cực hưởng ứng phong trào với những việc làm cụ thể, góp phần hoàn thành đảm bảo tiến độ các tiêu chí đã đề ra trong chương trình tổng thể xây dựng NTM của tỉnh.


Nông dân áp dụng quy trình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm” tại cánh đồng trọng điểm trong xây dựng nông thôn mới của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Phát (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng)

Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên phát động các phong trào thi đua, cuộc vận động như: “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”, “Hội viên nông dân phấn đấu trở thành người nông dân chuyên nghiệp”, hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng NTM”... lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, Tổ Nhân dân tự quản, Hội quán. Từ đó, tạo được sự hưởng ứng trong đoàn viên, hội viên, người dân tại địa bàn dân cư, cùng nhau phát triển kinh tế nông nghiệp, giảm nghèo, chung sức xây dựng NTM giàu đẹp, văn minh.

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 (viết tắt Ban Chỉ đạo tỉnh), Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện có trọng tâm, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; duy trì, phát huy và nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng NTM, thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tác động đến sự thành công trong việc tăng trưởng nông nghiệp và chuyển biến kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, nhất là từng bước hình thành và hoàn thiện các vùng nguyên liệu đối với ngành hàng chủ lực của địa phương, của tỉnh theo hướng hiện đại.

Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo mối liên kết hợp tác giữa Hợp tác xã (HTX) với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản phát triển bền vững. Tại huyện Tân Hồng, địa phương chọn 2 cánh đồng trọng điểm thuộc 2 xã: Tân Hộ Cơ, An Phước để đầu tư, phát triển ngành hàng lúa gạo. Cụ thể, cánh đồng trọng điểm xã Tân Hộ Cơ được đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng (đường nội bộ, hệ thống cống, thủy lợi nội đồng...) phục vụ sản xuất lúa khoảng 130ha với 60 thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Phát tham gia; cánh đồng trọng điểm xã An Phước được đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP từ vụ thu đông năm 2023, quy mô 123,8ha với hàng chục hộ dân tham gia.

Theo Ban Chỉ đạo tỉnh, phong trào tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực để thực hiện, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế, giáo dục để phát triển bền vững; duy trì, củng cố, giữ vững nâng cao chất lượng các tiêu chí ở đơn vị đạt chuẩn xã NTM nâng cao, huyện NTM. Kết quả, phong trào làm thay đổi bộ mặt nông thôn, hệ thống điện, đường, trường, trạm, công trình văn hóa, thủy lợi ngày càng được đầu tư và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu sản xuất và nâng cao đời sống người dân. Thông qua phong trào góp phần tác động tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2021 - 2023, ngân sách nhà nước đã phân bổ trên 3.430 tỷ đồng đầu tư hạ tầng nông thôn. Trong đó, vốn hỗ trợ trực tiếp gần 1.481 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương) thực hiện hơn 400 công trình giao thông, xây dựng cầu, trường học... đáp ứng nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế và phục vụ tốt hơn đời sống Nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 115/115 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 38 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 6 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM và 2 huyện (Lấp Vò, Lai Vung đang trình Trung ương xét, công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2023).

Thời gian tới, các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, hành động đối với chủ trương xây dựng NTM gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025...

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn