Tái cơ cấu nền nông nghiệp tỉnh gắn với mô hình cánh đồng liên kết.
Cập nhật ngày: 02/08/2013 09:52:18
Ngày 1/8/2013, UBND tỉnh phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức buổi tọa đàm về “Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp tỉnh, gắn với mô hình cánh đồng liên kết”. Chương trình này do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan chủ trì.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, ông Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho hay, tinh thần của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp đến 2020, tầm nhìn đến 2030 sẽ tập trung phát huy các ngành hàng nông nghiệp có lợi thế của tỉnh là lúa gạo, chế biến cá tra, hoa kiểng…tiến đến xây dựng chuỗi giá trị liên kết. Theo đó, tập trung đột phá vào những công đoạn mấu chốt, huy động áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý để tăng giá trị gia tăng của sản xuất. Bên cạnh đó, phát huy sức mạnh liên kết của nông dân, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tiến tới đổi mới tổ chức sản xuất, xây dựng các hình thức kinh tế hợp tác, gắn bó tổ chức sản xuất nông dân với doanh nghiệp thông qua hiệp hội ngành hàng. Ngoài tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu lao động cũng được đề án quan tâm xây dựng.
Đề án sẽ tập trung phát huy những ngành hàng lợi thế của địa phương
Đại biểu tham dự chương trình bày tỏ sự phấn khởi và quyết tâm sẽ đồng hành xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp. Đồng thời, đại biểu tỉnh cũng chia sẻ những ý kiến về việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần xây dựng sản phẩm chất lượng. Để đề án đạt hiệu quả, cần xây dựng một HTX theo kiểu mới: mạnh, chất lượng, tiến đến xây dựng thương hiệu…Ngoài ra, công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức trong người dân là một trong những khâu quan trọng.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan cho rằng, tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với mô hình cánh đồng liên kết là một trong những việc làm không dễ dàng. Điều kiện “đủ” của việc xây dựng cánh đồng liên kết là hướng đến tái cơ cấu tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, mà trước tiên là củng cố nâng cao chất lượng của HTX, THT trong từng cánh đồng liên kết. Đây là việc làm cần thiết hiện nay mà các địa phương cần quan tâm thực hiện. Trên tinh thần đó, sẽ xây dựng cánh đồng liên kết phù hợp với đặc điểm riêng của địa phương. Sau buổi tọa đàm, UBND tỉnh sẽ cùng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chuyên gia tiếp tục đúc kết những ý tưởng mới để hoàn thiện đề án
K.D