Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả phấn khởi

Cập nhật ngày: 20/01/2025 13:28:25

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250120012939dt2-3.mp3

 

ĐTO - Năm 2024, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản diễn ra thuận lợi, giá cả ổn định. Giá trị tăng thêm khu vực nông - lâm - thủy sản năm 2024 ước đạt 21.956 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 3% (tương ứng tăng 640 tỷ đồng). Mặc dù tăng trưởng của khu vực chưa đạt kỳ vọng (kế hoạch là 3,9%) nhưng vẫn tăng trưởng tương đối ổn định qua các năm (năm 2020 đạt 3,13%, năm 2021 đạt 2,54%, năm 2022 đạt 3,47%, năm 2023 đạt 3,92%).


Đường nông thôn mới ở ấp Phú Trung, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự

Năm qua, tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Các mùa vụ trong năm 2024 đều hoàn thành theo kế hoạch, năng suất ổn định, hiệu quả sản xuất cao và đang chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu đi vào chiều sâu (nâng cao chất lượng, giảm giá thành, thích ứng với thị trường, phát triển bền vững), góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân. Lúa gạo, xoài, sen, cá tra là 4 trong 5 ngành hàng có mức tăng trưởng cao, vượt kế hoạch đề ra. Theo giá so sánh năm 2010, giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo ước đạt 18.362 tỷ đồng, tăng trưởng 14,4% (tương đương tăng 2.316 tỷ đồng), vượt 16,1% kế hoạch; giá trị sản xuất ngành hàng xoài ước đạt 2.426 tỷ đồng, tăng trưởng 5,4% (tương ứng tăng 132 tỷ đồng), bằng kế hoạch 96,5%; giá trị sản xuất ngành hàng sen ước đạt 39 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm 2023 (tương ứng tăng 20 tỷ đồng), vượt 62% kế hoạch; giá trị sản xuất ngành hàng cá tra ước đạt 8.877 tỷ đồng, tăng trưởng 3,7% (tương đương tăng 320 tỷ đồng), đạt 100,9% kế hoạch.

Theo đánh giá, ngành hàng lúa gạo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, sản lượng duy trì 3,32 triệu tấn, trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 79,9% (tăng 9,9%); ngành hàng xoài tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị với các vùng nguyên liệu sản xuất quy mô lớn (tại huyện Thanh Bình, huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh); ngành hàng sen duy trì gắn kết với công nghiệp chế biến, đã ra mắt thị trường hơn 120 sản phẩm và 57 giống sen, có 56 sản phẩm sen đạt OCOP từ 3 sao trở lên (hạt sen sấy đạt OCOP 5 sao); ngành hàng cá tra tiếp tục phát huy lợi thế, tổ chức nuôi theo quy hoạch, duy trì thực hiện liên kết và tiêu thụ sản phẩm gắn với tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn (toàn tỉnh hiện có 375 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.626ha mặt nước, trong đó, có 83 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với diện tích 648,35ha, 38 cơ sở áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP với diện tích 242ha).

Bên cạnh đó, giá trị chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng 4,6% so với năm trước (tương ứng tăng 121 tỷ đồng), các đàn vật nuôi tiếp tục phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Riêng ngành hàng hoa kiểng phát triển theo hướng đa dạng chủng loại, đáp ứng theo phân khúc thị trường và thị hiếu người tiêu dùng, gắn với mô hình du lịch. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích chưa đạt như dự kiến; theo giá so sánh năm 2010, ước đạt 4.170 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2023 (tương ứng giảm 1.912 tỷ đồng), bằng 62,2% kế hoạch.

Trong năm 2024, các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP và cấp nước sạch khu vực nông thôn đều hoàn thành theo kế hoạch. Toàn tỉnh có 581 sản phẩm (464 sản phẩm 3 sao; 116 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao) của 248 chủ thể (tăng 128 sản phẩm so với năm 2023), có 379 sản phẩm OCOP được kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Các xã đạt chuẩn nông thôn mới (115/115 xã đạt chuẩn) tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, lũy kế có 49 xã, chiếm 42,6% xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 1 xã so với kế hoạch năm và vượt chỉ tiêu 30% xã đạt chuẩn trong nhiệm kỳ); phấn đấu trong năm có 5 xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới kiễu mẫu, chiếm 10,2% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (bằng kế hoạch năm và đạt chỉ tiêu 10% của nhiệm kỳ). Các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng đang trong quá trình đề nghị, xét công nhận, sau khi hoàn thành, toàn tỉnh sẽ có 11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 91,6% đơn vị cấp huyện (đạt kế hoạch năm và vượt chỉ tiêu 10 đơn vị đạt chuẩn trong nhiệm kỳ) và xây dựng huyện Tháp Mười cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến tiếp tục được nhân rộng như: mô hình giảm giá thành sản xuất lúa; giảm lượng hạt giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận; canh tác xoài rải vụ đủ điều kiện sản xuất an toàn; dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ - Tổ chức Seed to Table, Nhật Bản... Hệ thống nền tảng nông nghiệp số triển khai với quy mô 95 hệ thống, trạm giám sát thông minh và 100 điểm đo nhiệt độ, độ ẩm tự động; đưa vào vận hành Hệ thống nền tảng nông nghiệp. Toàn tỉnh có 22 hội quán, 54 hợp tác xã ứng dụng công nghệ vào quy trình truy xuất nguồn gốc, tham gia sàn thương mại điện tử.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn