Triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa

Cập nhật ngày: 04/03/2024 04:57:19

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240304045758dt1-2.mp3

 

ĐTO - Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa đến huyện Tam Nông làm việc về triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa năm 2024 - 2025.

Theo kế hoạch đến năm 2025, toàn huyện sẽ phấn đấu có 11.885ha canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao. Trong đó, phấn đấu năm 2024 đạt khoảng 4.973ha và sẽ rà soát, củng cố, kiện toàn các diện tích sản xuất thuộc Dự án VnSAT, WB9 để triển khai trong năm 2024 và phát triển lên 11.885ha trong năm 2025. Dựa trên các tiêu chí đăng ký tham gia Đề án, rà soát các diện tích đủ tiêu chí để mở rộng trong giai đoạn 2026 - 2030 là 29.800ha.

Tại các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80 - 100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học và lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như: 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng. 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%. 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng hoặc cày vùi và sử dụng vi sinh phân hủy rơm rạ để bổ sung dinh dưỡng trả lại cho đất. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó, lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%... Vốn thực hiện từ nguồn vốn bảo vệ phát triển đất trồng lúa của tỉnh hằng năm theo Nghị định số 35 của Chính phủ và theo quy định tại Quyết định số 03 của UBND tỉnh và vận dụng nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật...

Đoàn công tác của tỉnh ghi nhận việc chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa năm 2024 - 2025 của huyện và sẽ tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét. Đoàn đề nghị địa phương điều chỉnh một số diện tích sản xuất phù hợp, chính xác và chọn 2 hợp tác xã điểm để đặt pano tuyên truyền và thành lập Tổ xử lý rơm rạ, Tổ kinh tế tuần hoàn và Tổ quản lý nước. Mỗi tổ có 3 thành viên để thuận tiện liên hệ thực hiện Đề án...

TRẦN TRỌNG TRUNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn