100 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong năm 2022

Cập nhật ngày: 28/12/2022 05:44:37

Liên hợp quốc cảnh báo hàng nghìn người di cư tuyệt vọng trông đợi châu Âu như một "miền đất hứa"; nên đã đặt số phận của họ vào tay những kẻ buôn người và mạo hiểm vượt Địa Trung Hải.


Người tị nạn từ Ukraine tại ga tàu hỏa ở Warsaw, Ba Lan, ngày 7/3/2022 (Ảnh: PAP/TTXVN)

Ngày 26/12, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, trong năm 2022, có 100 triệu người trên thế giới buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và Liên hợp quốc đang tiếp tục giúp đỡ những người gặp khó khăn bằng nhiều cách khác nhau.

Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi miêu tả con số trên là “kỷ lục lẽ ra không bao giờ được xác lập".

Theo bản tin UN News, trong năm 2021 có khoảng 90 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Bạo lực gia tăng và xung đột kéo dài là những yếu tố chính gây ra làn sóng di cư ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có: Ukraine, Ethiopia, Burkina Faso, Syria...

Liên hợp quốc cảnh báo hàng nghìn người di cư tuyệt vọng trông đợi châu Âu như một "miền đất hứa" nên đã đặt số phận của họ vào tay những kẻ buôn người và mạo hiểm vượt Địa Trung Hải.

Xung đột kéo dài hơn 7 năm qua ở Yemen đã gây ra thảm họa nhân đạo và hơn 4,3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa.

Tháng 5 vừa qua, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Cơ quan cứu trợ nhân đạo của Liên minh châu Âu (ECHO) thông báo đã đẩy mạnh nỗ lực đáp ứng nhu cầu của hơn 325.000 người sơ tán do xung đột ở đây, bao gồm những người di cư và các cộng đồng tiếp nhận họ.

Tại Syria, xung đột đã kéo dài 11 năm qua và gần 5 triệu trẻ em sinh ra ở nước này chưa từng được biết đất nước hòa bình. Hơn 80.000 người Syria gọi trại Za'atari ở Jordan là “nhà” và nhiều người trong số họ có thể sẽ phải tiếp tục sống bên ngoài đất nước của mình trong tương lai gần.

Đại diện UNHCR ở thủ đô Amman của Jordan, Dominik Bartsch, cho rằng viễn cảnh trở về Syria đối với những người tị nạn này trong thời gian tới không có gì hứa hẹn.

Tổng cộng Jordan hiện tiếp nhận khoảng 675.000 người tị nạn từ Syria, trong đó phần lớn sống ở các thị trấn và làng quê trong các cộng đồng địa phương, 17% trong số đó sống trong 2 trại tị nạn chính là Za'atari và Azraq.

Số liệu của UNHCR cũng cho thấy đến tháng 12 này đã ghi nhận hơn 7,8 triệu người tị nạn Ukraine ở châu Âu.

Trong khi đó, ở Ethiopia, hàng triệu người vẫn phải sơ tán do xung đột vũ trang ở khu vực Tigray, bắt đầu hồi tháng 11/2020.

Tháng 1/2022, UNHCR cảnh báo rằng do điều kiện xấu đi nên người tị nạn ở khu vực này đang phải chật vật để có đủ thức ăn, thuốc men, nước sạch và đối mặt với nguy cơ tử vong nếu tình hình không được cải thiện.

Đến tháng 8, các cơ quan của Liên hợp quốc đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp cung cấp tài chính để giúp hơn 750.000 người ở Ethiopia đang tìm kiếm tị nạn.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo nếu không nhận được nguồn tài chính này, nhiều người tị nạn sẽ không có gì để ăn.

UNHCR cho biết các chính phủ trên thế giới đã cam kết khoảng 1,13 tỷ USD, một con số kỷ lục, để cứu trợ những người buộc phải sơ tán do chiến tranh, bạo lực và quyền con người không được đảm bảo.

Hồi tháng 6 vừa qua, khi Liên hợp quốc phát động Chương trình Hành động về di cư quốc tế, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói rằng, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di cư trong nước. Trên thế giới, số người buộc phải sơ tán ngay trong đất nước họ do xung đột, thảm họa và khủng hoảng khí hậu ở mức cao kỷ lục.

Ông nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm hành động. Tình cảnh của những người tị nạn ngay trong đất nước họ không chỉ là vấn đề nhân đạo. Cần phải có cách tiếp cận hợp nhất - kết hợp phát triển, xây dựng hòa bình, quyền con người, hành động khí hậu và nỗ lực giảm rủi ro thảm họa”.

Theo TTXVN/NDO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn