70.000 người thiệt mạng mỗi năm do tai nạn giao thông tại châu Âu
Cập nhật ngày: 16/05/2023 16:25:37
Số trường hợp tử vong do tai nạn đường bộ trong độ tuổi từ 5 đến 29 tuổi, nhiều hơn số trường hợp tử vong do các nguyên nhân khác.
Hiện trường một vụ tai nạn (Nguồn: romania-insider)
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân gây ra 70.000 ca tử vong và hàng trăm nghìn trường hợp thương tích tại châu Âu mỗi năm.
Đáng chú ý, trong số các nạn nhân thiệt mạng, có rất nhiều người trong độ tuổi từ 5 đến 29 tuổi. Số trường hợp tử vong do tai nạn đường bộ ở nhóm này nhiều hơn số trường hợp tử vong do các nguyên nhân khác.
Ngày 16/5, ông Hans Kluge - Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO - đã kêu gọi chính phủ các nước và các đối tác của họ xem xét lại về mức độ an toàn giao thông đường bộ và việc đi lại của người dân trong bối cảnh thế giới đã trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch Covid-19.
Trong phát biểu nhân Tuần lễ An toàn Đường bộ Toàn cầu lần thứ 7 của Liên hợp quốc, ông Kluge nhấn mạnh: “Chúng ta phải cùng nhau tận dụng thời điểm này để xem xét lại và cải thiện khả năng đi lại vì sự thịnh vượng của con người và hành tinh, ở hiện tại và cho các thế hệ tương lai”.
Ông Kluge nêu rõ: “Một tầm nhìn mới về sự di chuyển sẽ bao gồm xây dựng hoặc thiết kế lại đường sá và không gian công cộng cho mọi người dân, ưu tiên khả năng tiếp cận và nhu cầu di chuyển của những người dễ bị tổn thương nhất (trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người già) trước tác động của giao thông cơ giới”.
Theo quan chức Liên hợp quốc, điều kiện tiên quyết đối với "tầm nhìn mới" là tăng cường đầu tư vào các phương thức vận tải tích cực, "chẳng hạn như đi bộ, đi xe đạp và giao thông công cộng, cũng như quy hoạch đô thị cho phép tiếp cận các dịch vụ và tiện ích trong khoảng cách có thể dễ dàng đi bộ hoặc bằng xe đạp".
Ông Kluge đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, "tầm nhìn mới" của WHO khu vực châu Âu được thực hiện thành công sẽ tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho "sự di chuyển và giao thông mới, sạch, an toàn, lành mạnh và toàn diện trong khu vực" mà còn xây dựng nên "những con phố đáng sống ở trung tâm của mọi cộng đồng".
Số liệu mới nhất của WHO cho thấy, 70% dân số toàn cầu dự kiến sẽ sống ở các khu đô thị vào năm 2030 "nhu cầu về giao thông công cộng sẽ tăng lên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của một lượng lớn dân số ngày càng tăng".
Theo TTXVN/NDO