Bầu cử QH Hy Lạp: Liên minh bảo thủ chiến thắng
Cập nhật ngày: 18/06/2012 09:24:13
Ngày 17/6, Bộ Nội vụ Hy Lạp đã công bố kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc tổng tuyển cử mới diễn ra trước đó cùng ngày cho thấy đảng Dân chủ Mới và đảng xã hội Pasok - hai đảng vốn ủng hộ các biện pháp thắt chặt chi tiêu để đổi lấy gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU), đã giành được đa số quá bán cần thiết để đứng ra thành lập chính phủ mới, qua đó giải tỏa nỗi lo Hy Lạp sẽ rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Theo kết quả mới được công bố, đảng Dân chủ Mới theo đường lối bảo thủ đã giành được 128 ghế trong tổng số 300 ghế tại quốc hội Hy Lạp, do theo luật pháp nước này, đảng nhận được nhiều phiếu nhất sẽ đương nhiên được hưởng thêm 50 ghế.
Trong khi đó, đảng xã hội Pasok cũng giành được 33 ghế. Sau khi kết quả này được công bố, lãnh đạo đảng Dân chủ Mới, ông Atonis Samaras đã khẳng định sẽ giữ nguyên các cam kết của Hy Lạp với các biện pháp thắt chặt chi tiêu mà các chủ nợ quốc tế đặt ra cho Athens để đổi lấy gói cứu trợ tài chính trị giá hàng trăm tỉ euro.
Trong khi đó, lãnh đạo Liên minh các lực lượng cực tả (Syriza) - đảng về đích thứ hai trong cả hai cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, ông Alexis Tsipras đã thừa nhận thất bại, đồng thời gửi lời chúc mừng tới chiến thắng tới liên minh bảo thủ.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh để phản đối các biện pháp thắt chặt chi tiêu.
Hiện lãnh đạo đảng xã hội Pasok, ông Evangelos Venizelos, cho biết đã sẵn sàng gia nhập liên minh để thành lập chính phủ với đảng Dân chủ Mới, với điều kiện các đảng cánh tả khác cũng tham gia liên minh này.
Dự kiến các cuộc đối thoại để thành lập liên minh cầm quyền tại Hy Lạp sẽ diễn ra ngay trong ngày hôm nay 18/6.
Cuộc bầu cử tại Hy Lạp được đánh giá là cực kì quan trọng, không chỉ tác động tới nền kinh tế của châu Âu, mà còn có tầm ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới, vốn đang phục hồi mong manh sau khủng hoảng.
Mặc dù quy mô nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 2,3% kinh tế của Eurozone, tương đương 0,4% kinh tế toàn cầu, thế nhưng những diễn biến tại quốc gia Nam Âu này lại có thể gây nên "cơn sóng thần tài chính" tác động tới toàn cầu, đẩy thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng mới./.
Vietnam+