Châu Âu ứng phó các biến động mới

Cập nhật ngày: 04/01/2017 05:09:51

Trong bối cảnh Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế trong năm 2017, Phần Lan đã khởi động chương trình thử nghiệm thu nhập cơ bản cho toàn dân, một số nước trong khu vực cũng rục rịch làm theo.


Một hội thảo tìm việc làm tại Phần Lan

Tiết kiệm ngân sách

Phần Lan bắt đầu tặng tiền hàng tháng cho hàng ngàn công dân, cho dù họ có việc làm hay không. Theo CNN, chương trình này được khởi động ngay tháng 1-2017, là một trong những nỗ lực đầu tiên của chính phủ Phần Lan nhằm thử nghiệm chính sách “thu nhập cơ bản cho toàn dân”.

Người tham gia chương trình sẽ nhận được 560 EUR (587 USD) mỗi tháng. Khoản tiền này không phụ thuộc vào thu nhập, tài sản, hay tình trạng công việc của người nhận tiền. Chương trình thử nghiệm sẽ được Chính phủ Phần Lan áp dụng trong 2 năm đối với 2.000 người. Những người tham gia sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên, nhưng phải là đối tượng đang nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc trợ cấp thu nhập. Số tiền mà họ nhận được từ chương trình sẽ không bị đánh thuế. Nếu thành công, chương trình có thể được mở rộng cho tất cả người Phần Lan trưởng thành. Chính phủ Phần Lan cho rằng, sáng kiến này có thể giúp tiết kiệm ngân sách trong dài hạn. Hệ thống phúc lợi của nước này rất phức tạp và tiêu tốn một lượng ngân sách lớn, nên việc đơn giản hóa có thể giúp cắt giảm chi phí vận hành.

Những người ủng hộ ý tưởng về chính sách “thu nhập cơ bản cho toàn dân” lập luận rằng, cách làm này sẽ đem lại sự đảm bảo tốt hơn cho người lao động; khuyến khích những người thất nghiệp làm việc thêm mà không lo bị mất các chế độ trợ cấp. Hiện nay, nhiều người Phần Lan thất nghiệp không muốn làm việc bán thời gian, vì những công việc này chỉ đem lại cho họ khoản thu nhập nhỏ nhưng lại khiến họ mất trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, các ý kiến trái chiều cho rằng điều này có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, theo thống kê của hãng BBC, hiện hơn 10% lực lượng lao động của Phần Lan đang không có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở giới thanh niên lên đến gần 23%, tạo áp lực kép lên chính phủ: giảm thu thuế, tăng các mức chi trợ cấp thất nghiệp.

Biến động nhiều mặt

Theo Guardian, các nhà kinh tế đều có chung nhận định, Khu vực Eurozone được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế trong năm 2017 do tác động từ những biến động chính trị tại khu vực. Nhà kinh tế học Philippe Waechter thuộc Ngân hàng Natixis AM, Pháp cảnh báo, các cuộc bầu cử mang tính quyết định diễn ra tại Hà Lan, Pháp, Đức… với khả năng phong trào dân túy có thể giành chiến thắng sẽ là thách thức lớn đe dọa sự gắn kết trong khu vực.

Ngoài ra, tình trạng lạm phát quay trở lại dự báo sẽ cản trở sức mua. Việc giá dầu tăng dẫn tới giá cả sinh hoạt tăng theo trong Eurozone. Chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan bảo hiểm Humanis, Stephanie Villers, nhận định sự quay trở lại của lạm phát có thể làm giảm sức mua của các hộ gia đình, kéo theo tăng trưởng kinh tế giảm. Một số nhà phân tích cũng cho rằng, Eurozone sẽ đứng trước nguy cơ đe dọa từ việc tăng lãi suất trong năm 2017. Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, Pháp, Đức và Italy cũng nâng lãi suất. Đa số các nhà kinh tế đánh giá đây là một tín hiệu tốt, vì thời gian qua lãi suất đã rơi xuống mức quá thấp. Tuy nhiên, chuyên gia Gilles Moec của Ngân hàng Bank of America ML nhấn mạnh, điều này chỉ thực sự tốt với điều kiện là lạm phát không bùng lên quá cao. Ông Moec nhận định, tại châu Âu, lạm phát cao có thể gây hậu quả nặng nề, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế yếu như Italia và Bồ Đào Nha.

VIỆT ANH/SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn