Dỡ phong tỏa thủ đô, Campuchia ghi nhận 650 ca mắc Covid-19 mới

Cập nhật ngày: 07/05/2021 05:29:51

Ngày 6-5, lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn làn sóng Covid-19 tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) được dỡ bỏ sau 3 tuần.


Từ khoảng 500 ca mắc Covid-19 vào cuối tháng 2, hiện Campuchia ghi nhận 17.621 ca nhiễm, 114 trường hợp tử vong. Ảnh: EPA-EFE

Giao thông đông đúc trên một số đường phố thủ đô. Tuy nhiên, chính quyền Phnom Penh sẽ duy trì quy định chặt chẽ hơn tại một số khu vực có số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.

Từ ngày 6-12.5, người dân ở "vùng đỏ" (khu vực có nguy cơ cao về lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng) và "vùng cam" (khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng ở mức trung bình) phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi có giấy phép của chính quyền hoặc lý do y tế.

Tại "vùng vàng" (khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng ở mức nhẹ), hoạt động đi lại trở về bình thường và phần lớn hoạt động kinh doanh được mở cửa trở lại.

Ông Mean Chanyada, Phó Đô trưởng Phnom Penh, "yêu cầu mọi người không nên lơ là, vì chúng ta đang sống theo một lối sống mới trong bối cảnh Covid-19 hoành hành". Ông Mean Chanyada cho biết khu vực màu vàng sẽ chứng kiến ​​hoạt động kinh tế và lưu lượng giao thông lớn hơn, nhưng vẫn bị giới nghiêm từ 20 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau.

Khi Phnom Penh mở cửa, nhà chức trách đưa ra các biện pháp mới như chỉ cho phép 50% công nhân trong các nhà máy quay trở lại và ưu tiên những người đã tiêm vắc-xin.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế cảnh báo về việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở một số địa điểm quá nhanh. Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia, Li Ailan, cảnh báo không nên nới lỏng phong tỏa quá sớm. Một số cư dân than phiền việc phân phát viện trợ lương thực không đầy đủ.

Nhà chức trách ghi nhận 650 ca mắc mới và 4 trường hợp tử vong vào ngày 6-5. Hiện tại, Campuchia có tổng cộng 17.621 ca mắc Covid-19, 6.843 trường hợp bình phục và 114 ca tử vong.


Đưa thi thể bệnh nhân Covid-19 đi hỏa táng ở New Delhi vào ngày 5-5. Ảnh: Reuters

Ở Ấn Độ, nước này ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước đến nay, với 412.262 ca vào ngày 6-5. Năm bang dẫn đầu về số ca mắc mới là Maharashtra (57.640 ca), Karnataka (50.112 ca), Kerala (41.953 ca), Uttar Pradesh (31.111 ca) và Tamil Nadu (23.310 ca).

Trong vòng 24 giờ qua, có thêm 3.980 ca tử vong, cũng là một kỷ lục buồn. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, tổng số ca nhiễm tăng lên 21 triệu người, số người chết là 230.168 người. Các chuyên gia y tế cho rằng số liệu thực tế có thể nhiều gấp 5 đến 10 lần con số chính thức.

Đây là lần thứ hai Ấn Độ ghi nhận mức tăng số ca Covid-19 trong một ngày vượt quá con số 400.000. Trước đó, ngày 1-5, Ấn Độ ghi nhận 401.993 ca mắc mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 5-5 cho biết trong tuần qua, Ấn Độ chiếm gần 1/2 số ca mắc mới và 1/4 số ca tử vong toàn cầu.

Sự gia tăng đột biến số ca bệnh xảy ra cùng thời điểm chương trình tiêm chủng vắc-xin của Ấn Độ bị chậm lại vì thiếu nguồn cung, mặc dù Ấn Độ là nhà sản xuất vắc-xin lớn.

Ông K. VijayRaghavan, cố vấn khoa học của chính phủ Ấn Độ, cảnh báo ngay cả khi số ca bệnh giảm đi, nước này vẫn nên chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng thứ ba. Ông K. VijayRaghavan nói: "Làn sóng thứ ba là không thể tránh khỏi, vì virus vẫn đang lây lan rất nhanh. Nhưng không rõ làn sóng này sẽ ập đến lúc nào. Chúng ta nên chuẩn bị cho những đợt dịch mới".

Huệ Bình (NLĐO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn