Khói bụi ô nhiễm tại Bắc Kinh có chứa chất độc chết người

Cập nhật ngày: 19/02/2013 09:43:31

Phân tích của học viện khoa học Trung Quốc cho thấy đợt khói bụi tấn công Bắc Kinh và các tỉnh phía Bắc nước này hồi tháng trước có chứa lượng lớn chất độc hóa học. Giữa lúc đó, một đợt khói bụi ô nhiễm mới lại bao phủ khu vực này.


Bắc Kinh lại đang phải đối mặt với đặt khói bụi ô nhiễm mới

Thông tin được Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng tải. Theo đó, các đám mây bụi ô nhiễm dày đặc tràn xuống các thành phố phía Bắc nước này hồi tháng 1 vừa qua có chứa nhiều chất độc hóa học từng xuất hiện trong những vụ mây mù ô nhiễm nổi tiếng thế giới như: đám mây mù ô nhiễm khổng lồ tại London năm 1952, vốn được tạo ra chủ yếu bởi việc đốt than, khiến gần 12.000 người chết, và đám mây mù quang hóa xuất hiện tại Los Angeles, Mỹ trong thế kỷ qua.

Ngoài ra còn có nhiều chất độc khác như bụi hóa chất, một chất gây ô nhiễm phổ biến tại Trung Quốc và lượng lớn các hợp chất hữu cơ có chứa nitơ - thành phần chính của các đám mây mù quang hóa, được sinh ra do phản ứng giữa ánh sáng mặt trời với khói bụi của các phương tiện giao thông và khói bụi công nghiệp, bản báo cáo của học viện khoa học Trung Quốc (CAS) công bố hôm 16/2 cho biết.

Mây mù quang hóa có thể dẫn tới các bệnh về tim, phổi, gây ngứa mắt và các vấn đề về hô hấp.

Kết quả phân tích trên được công bố giữa lúc những cảnh báo về một đợt mây bụi ô nhiễm mới đã bắt đầu tràn vào Bắc Kinh, Thiên Tân cùng các tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam sáng 17/2, làm gián đoạn giao thông trên các tuyến đường cao tốc cũng như các chuyến bay.

Vào thời điểm 8 giờ sáng ngày 18/2, các thiết bị theo dõi chất lượng không khí tại 5 khu vực khác nhau trong thành phố Shijiazhuang, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc đã cho thấy mức độ ô nhiễm cực cao. Trong khi đó, Trung tâm theo dõi môi trường Bắc Kinh cho biết, mức độ ô nhiễm không khí vừa phải hoặc nghiêm trọng được ghi nhận tại nhiều vùng ở thành phố này. Tầm nhìn tại đây trong buổi sáng sớm đã xuống dưới 500m.

Theo CAS, nguyên nhân chính dẫn tới các đám mây mù ô nhiễm là do không có gió trong khi lượng bụi lơ lửng, khí thải gây ô nhiễm và hơi nước trong không khí tăng cao. Theo bản báo cáo của học viện này, khoảng 25% lượng hạt bụi độc hại có kích thước nhỏ hơn 2,5 micro met (PM 2.5) bắt nguồn từ khói thải của các phương tiện. 40% lượng PM 2.5 khác đến từ các chất gây ô nhiễm được thổi vào Bắc Kinh từ các khu vực khác cũng như việc đốt than tại đây.

Lü Daren, một học giả tại Viện vật lý học khí quyển, trực thuộc CAS khẳng định nguyên nhân chính gây phát thải chất gây ô nhiễm là từ hoạt động của con người.

Theo Dân trí/Thời báo Hoàn Cầu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn