LHQ cam kết giải pháp ngoại giao cho Syria
Cập nhật ngày: 29/08/2013 08:00:20
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói: “Hãy cho hòa bình một cơ hội. Hãy cho ngoại giao một cơ hội. Hãy ngừng giao tranh và bắt đầu đối thoại”.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon
Phát biểu của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tại Cung điện Hòa bình ở The Hague (Hà Lan) ngày 28-8 mở ra hy vọng cho một giải pháp hòa bình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đang leo thang. Song, trong lúc này, Mỹ và Anh lại khẳng định không còn nghi ngờ việc Chính phủ Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công ngày 21-8 vừa qua.
Hãng AP cho biết, tại Cung điện Hòa bình trong ngày kỷ niệm Cung điện này tròn 100 tuổi, ông Ban Ki-moon cam kết hướng đến giải pháp ngoại giao cho Syria, ngay cả khi các cường quốc thúc đẩy việc trừng phạt quốc gia Trung Đông này bằng các cuộc tấn công quân sự chống lại Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo ông Ban Ki-moon, các điều tra viên của LHQ phải có thêm thời gian để xem xét vấn đề, thu thập dữ liệu và phỏng vấn các nhân chứng cũng như nạn nhân. Nhóm điều tra đã rời khách sạn vào hôm qua (28-8) và được cho là đến hiện trường vụ tấn công ngày 21-8, ở ngoại ô thủ đô Damascus.
Với lý do trên, ông Ban Ki-moon thúc giục Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ không nên có hành động sai lầm khi đẩy Syria vào khủng hoảng sâu sắc. “Đây là Cung điện Hòa bình. Hãy để chúng tôi nói rằng, hãy cho hòa bình một cơ hội. Hãy cho ngoại giao một cơ hội. Hãy ngừng giao tranh và bắt đầu đối thoại”, vị Tổng Thư ký LHQ phát biểu.
Song, khi đề cập cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua ở Syria, ông Ban Ki-moon nói rằng những hình ảnh về tình hình ở quốc gia của ông Assad cho thấy “dường như chúng ta không sống ở thế kỷ 21”.
Cũng trong ngày 28-8, tại cuộc họp báo ở Gevena (Thụy Sĩ), đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arab, ông Lakhdar Brahimi, khẳng định bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ nhằm phản ứng với cuộc tấn công được cho là dùng vũ khí hóa học ở Syria sẽ phải cần sự phê chuẩn của HĐBA LHQ. Ông Brahimi nhấn mạnh: “Đây là luật pháp quốc tế”. Hiện HĐBA LHQ bị chia rẽ vì Nga và Trung Quốc vẫn phản đối việc dùng vũ lực chống Damascus.
Trong lúc đó, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ đệ trình dự thảo Nghị quyết lên HĐBA LHQ, thúc đẩy “những giải pháp cần thiết” để chống Chính phủ Syria. Lý giải của Thủ tướng Cameron là ông muốn bảo vệ thường dân ở Syria.
Ngoài Nga và Trung Quốc lên tiếng phản đối sự can thiệp của quốc tế đối với Syria, Iran - đồng minh của Damascus - cũng chung quan điểm này. Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo, bất kỳ can thiệp nào của Mỹ chống Syria cũng sẽ dẫn đến thảm họa cho khu vực.
Các nguồn tin ngày 28-8 cho biết, Báo New York Times, Twitter và Huffington Post không thể kiểm soát được các trang web của mình sau khi bị các hacker được cho là ủng hộ Chính phủ Syria tấn công. Nhóm Quân đội Điện tử Syria (SEA) đã nhận trách nhiệm về vụ việc này.
Theo Reuters, SEA tấn công các tổ chức báo chí mà nhóm hacker này xem là thù địch với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. |
THIÊN BÌNH/ĐNO