Mỹ báo động về tàu ngầm Trung Quốc

Cập nhật ngày: 27/07/2013 04:02:46

Trong năm 2014, hải quân Trung Quốc dự kiến triển khai tuần tra biển bằng lớp tàu ngầm tên lửa hạt nhân chiến lược mới, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Mỹ, theo nhận định của các quan chức quốc phòng nước này.


Một chiếc tàu ngầm của Trung Quốc - Ảnh: AFP

"Chúng tôi dự đoán các cuộc tuần tra tác chiến bằng tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân mới của Trung Quốc sẽ được triển khai trong năm tới, 2014", tờ Washington Free Beacon dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ cho biết.

Tăng cường tàu ngầm chiến lược và tên lửa đạn đạo

Lực lượng tàu ngầm tên lửa chiến lược của Trung Quốc hiện nay bao gồm 3 chiếc Type 094 (lớp Tấn), với 12 ống phóng tên lửa được trang bị cho mỗi chiếc. Theo Lầu Năm Góc, đây là loại tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-2.

Nếu các cuộc tuần tra được thực hiện trong năm 2014, thì đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai tàu ngầm tên lửa hạt nhân hoạt động ở các vùng biển xa, mặc dù từ cuối những năm 1980, nước này đã sở hữu một lực lượng tàu ngầm tên lửa nhỏ.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc thử nghiệm hiếm hoi loại tên lửa mang nhiều đầu đạn JL-2 trên vùng biển Bột Hải, gần bờ biển đông bắc Trung Quốc, theo tờ Washington Free Beacon.

Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, JL-2 là một trong 4 loại tên lửa tầm xa mới trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược đang phát triển của Trung Quốc, và có khả năng đặt ra mối đe dọa "tấn công phủ đầu tiềm năng" bằng tên lửa hạt nhân với Mỹ.

Trung tâm Tình báo không gian và vũ trụ thuộc Không quân Mỹ (NASIC) hồi đầu tháng này đã công bố một báo cáo về các mối đe dọa tên lửa, và xác định JL-2 là loại vũ khí lần đầu tiên cho phép tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) của Trung Quốc có khả năng tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.

Năng lực răn đe hạt nhân trên biển đầu tiên của Trung Quốc

Báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc về sự phát triển quân sự của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh từ lâu đã đặt ưu tiên cao cho việc xây dựng lực lượng tàu ngầm chiến lược.

Theo đó, ngoài 3 chiếc Type 094 đang triển khai, Trung Quốc sẽ bổ sung thêm ít nhất là 2 tàu ngầm nữa trước khi triển khai loại tàu ngầm tên lửa thế hệ mới Type 096 (lớp Đường).

Đây cũng là lần đầu tiên Lầu Năm Góc tiết lộ sự tồn tại của loại tàu ngầm tên lửa chiến lược thế hệ kế tiếp này.

"Tàu ngầm lớp Tấn và tên lửa JL-2 sẽ cung cấp cho hải quân Trung Quốc sức mạnh răn đe hạt nhân đáng tin cậy trên biển đầu tiên", báo cáo của Lầu Năm Góc nhận định.

Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, đô đốc Jonathan Greenert hồi tháng 5 đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng ông không lo lắng về sự tăng cường lực lượng của hải quân Trung Quốc, kể cả các tàu ngầm tên lửa mới, nhưng đó là sự phát triển cần được theo dõi sát sao.

Trong cuộc điều trần trước Tiểu ban Ngân sách quốc phòng Hạ viện, đô đốc Greenert cho rằng khu vực dưới đáy biển vẫn là lãnh địa riêng khẳng định quyền lực của Mỹ và hải quân Trung Quốc vẫn chưa thể xâm phạm cho dù nước này hiện đang triển khai đến 55 tàu ngầm chạy bằng diesel và hạt nhân.

"Tôi chỉ nói là tôi đang thận trọng. Tôi ghét phải nói rằng tôi đang lo lắng, bởi vì tôi không nhất thiết phải lo lắng. Chỉ là rất thận trọng, và chúng ta cần phải chú ý, hiểu được ý định của họ và thách thức họ về ý định đó", ông nói.

David Helvey, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách khu vực Đông Á, đã nói với các phóng viên hồi tháng 5 rằng Trung Quốc hiện đang đầu tư mạnh vào các chương trình chiến tranh dưới đáy biển và tàu ngầm.

“Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn chưa tiến hành cuộc thử nghiệm hỏa lực dưới nước nào cho loại tên lửa phóng từ tàu ngầm”, ông David Helvey nói.

Ngoài ra, một báo cáo năm 2008 của Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung còn ghi nhận có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang có kế hoạch triển khai tên lửa chống vệ tinh trên tàu ngầm.

Hệ quả từ chương trình cắt giảm vũ khí hạt nhân của Mỹ?

Theo nhận định của Mark Stokes, nhà phân tích các vấn đề quân sự Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Dự án 2049 (Mỹ) thì việc Trung Quốc triển khai tuần tra bằng tàu ngầm tên lửa đạn đạo trong năm tới là không có gì đáng ngạc nhiên.

"Điều quan trọng nhất là lực lượng nào chịu trách nhiệm kiểm soát, lưu trữ, và đảm bảo tình trạng sẵn sàng của các đầu đạn hạt nhân có khả năng sẽ kết hợp với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm trong nhiệm vụ tuần tra", Stokes nói.

Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn giữ bí mật thông tin về các lực lượng hạt nhân của mình, như số lượng triển khai, cách thức kiểm soát và lưu trữ, vì lo ngại các cuộc thảo luận công khai sẽ làm suy yếu giá trị khả năng răn đe của mình.

Ngoài ra, ông Stokes còn cho biết Quân ủy Trung ương Trung Quốc có truyền thống giao phó cho Lực lượng pháo binh số 2 trách nhiệm kiểm soát tập trung toàn bộ vũ khí hạt nhân, song hiện tại hải quân Trung Quốc đã được giao nhiệm vụ phát triển và duy trì cơ sở hạ tầng của riêng mình để lưu trữ và xử lý đầu đạn hạt nhân.

Richard Fisher, chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc thuộc Trung tâm đánh giá chiến lược quốc tế, cho biết, việc triển khai tuần tra bằng tàu ngầm tên lửa là nhằm thực hiện tham vọng của các thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ thời Chủ tịch Mao Trạch Đông trong những năm 1960.

Ông cho biết 3 chiếc SSBN của Trung Quốc không phải là đối thủ so với 14 chiếc của hải quân Mỹ, nhưng giả định JL-2 có tầm bắn vào khoảng 8.000 km, tương đương với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong DF-31, thì các tàu ngầm Type 094 từ Hoàng Hải có thể khống chế các căn cứ phòng thủ tên lửa và phòng không trọng yếu ở Alaska.

Hơn nữa, nếu hoạt động ở bờ biển phía đông của CHDCND Triều Tiên, nó có thể tấn công căn cứ tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của hải quân Mỹ trên đảo Kitsap thuộc tiểu bang Washington.

Ngoài ra, Fisher còn cảnh báo kế hoạch cắt giảm lực lượng hạt nhân của chính quyền Obama có thể làm gia tăng nguy cơ một cuộc tấn công phủ đầu trong tương lai của Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc không minh bạch về chương trình vũ khí hạt nhân hiện tại và tương lai của họ, thì quyết định tiếp tục cắt giảm hạt nhân của chính quyền Obama là hơi vội vàng và không phải là lựa chọn tối ưu, vì nó có thể đe dọa đến sức mạnh của bộ tam quyền lực hạt nhân của Mỹ bao gồm các lực lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân và máy bay ném bom, Fisher cho biết.

Thomas M. Skypek, nhà phân tích an ninh quốc gia, trong một bài báo năm 2010 đã nhận định rằng, Trung Quốc trong 10 năm tới có thể xây dựng các lực lượng tên lửa chiến lược đa dạng hơn, từ lực lượng khiêm tốn 4 tàu ngầm Type 094 trở thành lực lượng hùng mạnh hơn với 2 chiếc Type 094 và đến 8 chiếc Type 096, mỗi chiếc trang bị 24 tên lửa JL-3 mang nhiều đầu đạn.

Trong tiến trình phát triển năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy trên biển của mình, Bắc Kinh sẽ xem xét đến việc triển khai loại tàu ngầm có khả năng tàng hình mạnh hơn, cùng với số lượng lớn tên lửa đạn đạo chứa nhiều đầu đạn dẫn hướng độc lập (MIRV), sẽ tạo thành năng lực mạnh hơn hẳn các SSBN và SLBM thuộc thế hệ đầu tiên và thứ hai, Skypek cho biết.

Mặc dù quân đội Trung Quốc có vấn đề với tàu ngầm Type 094 và tên lửa JL-2. Tuy nhiên, Skypek nói thêm, hải quân Trung Quốc hiện đang ở trong “một quỹ đạo cho thấy Trung Quốc sẽ vươn lên đỉnh cao với bước nhảy vọt đáng kể về năng lực và sẽ sớm triển khai năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy trên biển".

"Một khi hoạt động phối hợp trơn tru, các hạm đội SSBN của Trung Quốc, ngay cả với một số lượng tàu khiêm tốn, sẽ tăng cường năng lực tấn công cũng như nâng cao vị thế răn đe chiến lược của Bắc Kinh thông qua việc gia tăng phạm vi hoạt động, tính cơ động, khả năng tàng hình, tồn tại, xâm nhập và sát thương", Skypek nói.

Đối phó chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Á

Hiện nay, chính quyền Obama đã xoay "trục" sang châu Á bằng cách tập trung các lực lượng quân sự của Mỹ trong khu vực và tăng cường tập trận với các nước đồng minh và đối tác ở châu Á.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter hồi tháng 4 đã tuyên bố hải quân nước này sẽ triển khai một tàu ngầm tấn công hạt nhân thứ tư đến đảo Guam vào năm 2015.

Trong khi đó, Thiếu tướng Diêu Vân Trúc, thuộc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc hồi tháng 5 đã ám chỉ nỗ lực tăng cường phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Á sẽ dẫn đến sự tăng cường kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Trung Quốc.

"Sự phát triển hiện nay, đặc biệt là việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Á là rất đáng lo ngại đối với Trung Quốc và tác động đến sự tính toán về kho vũ khí hạt nhân và chiến lược của Trung Quốc", bà Diêu Vân Trúc cho biết.

Tờ Wall Street Journal hồi tháng 5 đã trích dẫn nhận định của các chuyên gia Trung Quốc cho rằng các động thái quân sự của Mỹ ở châu Á khó lòng ảnh hưởng đến sự tăng cường lực lượng hạt nhân của Trung Quốc, bao gồm cả việc triển khai tuần tra bằng tàu ngầm tên lửa vào năm 2014.

Tuy nhiên, số lượng đầu đạn hạt nhân và tên lửa chiến lược có thể được "điều chỉnh" dựa trên các kế hoạch quân sự của Mỹ ở châu Á.

Nguyên Giang/Thanh Niên

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn