Mỹ cảnh báo nguy cơ khủng bố: Cuộc chiến lâu dài

Cập nhật ngày: 05/08/2013 07:34:15

Sau một thời gian tương đối yên ắng, nguy cơ khủng bố lại khuấy động nước Mỹ với việc Washington ra lệnh đóng cửa tạm thời 21 sứ quán ở các quốc gia Hồi giáo trong ngày 4-8 hoặc lâu hơn. Đức, Anh, Pháp cũng theo bước, đóng cửa các sứ quán của họ ở Yemen ít nhất hai ngày 4 và 5-8.


21 đại sứ quán Mỹ tại Trung Đông và Bắc Phi đã ngừng hoạt động vào ngày 4-8.

Lời cảnh báo việc đi lại đối với công dân Mỹ trên toàn cầu cũng được phát đi sau khi một số thông tin tình báo cho thấy tổ chức Al-Qaeda đang có âm mưu thực hiện các vụ tấn công ở Trung Đông và Bắc Phi. Mỹ có tin tức cho rằng, tổ chức khủng bố quốc tế này ở bán đảo Arab đang trong giai đoạn cuối cùng của việc lập kế hoạch cho một cuộc tấn công gây nhiều thương vong. Nhà Trắng đã triệu tập một cuộc họp cấp cao để bàn thảo về những quan ngại khủng bố mới nhất.

Kể từ thảm họa 11-9-2001, nước Mỹ chưa phải trải qua một vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nào nữa. Tuy nhiên, các công dân Mỹ và những lợi ích của Washington ở một số quốc gia Hồi giáo vẫn là đối tượng của những âm mưu tấn công. Đúng ngày 11-9 năm ngoái, thế giới đã chấn động bởi vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya khiến 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có đại sứ Chris Stevens. Gần một năm sau, hồi chuông cảnh báo lại được gióng lên khiến dư luận nhận thấy rằng sau rất nhiều chiến dịch hao người tốn của nhằm tiễu trừ khủng bố, nguy cơ này vẫn là thách thức với cường quốc số 1 thế giới.

Trên thực tế, cuộc chiến chống khủng bố đã được Washington thực hiện với những quyền lực gần như không giới hạn trong các tình huống chiến tranh, từ Iraq tới Afghanistan sang Libya. Sự can thiệp quân sự ra bên ngoài của Mỹ đã mang lại hiệu quả với việc tiêu diệt khá nhiều khả năng tấn công của các lực lượng khủng bố như Taliban và Al-Qaeda. Nước Mỹ cũng cố gắng thay đổi dưới nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Barack Obama, với cách tiếp cận linh hoạt và mềm dẻo hơn khi nhanh chóng thoát khỏi khu vực Trung Đông, Nam Á, cũng như cuộc chiến chống khủng bố để đối phó với những thách thức có ý nghĩa chiến lược lâu dài hơn. Tuy nhiên, những tổn thương do khủng bố vẫn là một nỗi lo của nước Mỹ trong bối cảnh gốc rễ của xung đột cả về lợi ích và ý thức hệ với những lực lượng cực đoan vẫn còn tồn tại. Thế nên, dù tổ chức Al-Qaeda đã có sự suy yếu rõ rệt, đặc biệt sau khi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt hai năm trước thì nước Mỹ vẫn chưa thực sự an toàn. Các cuộc tấn công phức tạp với quy mô lớn đã được loại trừ, song những cuộc tấn công đơn lẻ vẫn là mối nguy hiểm thực sự. Thêm vào đó, dù lực lượng Al-Qaeda thời kỳ hậu Osama Bin Laden bị ví như rắn mất đầu, nhưng các phong trào cực đoan khác vẫn không ngừng mở rộng hoạt động tại Afghanistan, Pakistan và một loạt các quốc gia Châu Phi. Số chi nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế này vẫn liên tục được mở rộng, từ Yemen cho tới Bắc Phi khi tình hình bất ổn tại thế giới Arab đang tạo điều kiện để những phần tử cực đoan trỗi dậy từ Libya đến Syria. Hệ tư tưởng Thánh chiến Hồi giáo và triết lý của Bin Laden đã không chết theo hắn mà trở thành mầm mống reo rắc tư tưởng cực đoan trong một bộ phận giới trẻ ở nhiều quốc gia Arab.

Ngay trước khi Mỹ đưa ra những cảnh báo khủng bố, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cũng vừa phát đi khuyến cáo an ninh toàn cầu. Theo đó, yêu cầu các nước thành viên tăng cường cảnh giác sau khi xảy ra nhiều vụ cướp ngục táo tợn tại Iraq, Afghanistan… do Al-Qaeda tuyên bố nhận trách nhiệm thời gian gần đây. Điều này cho thấy rằng, sau một thời gian im hơi lặng tiếng, tổ chức khủng bố do Bin Laden sáng lập đã có sự trỗi dậy và tập hợp lực lượng nhằm thực hiện những mưu đồ tấn công. Vì vậy, hiệu quả thực sự của chiến lược chống khủng bố của Mỹ vẫn còn đang ở phía trước, đồng thời đây chắc chắn sẽ còn là một cuộc chiến lâu dài.

Thùy Dương/HNMO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn