Nghi án Iran lập mạng lưới khủng bố ở Nam Mỹ
Cập nhật ngày: 04/06/2013 07:43:48
Iran bị cáo buộc đã thiết lập các mạng lưới khủng bố ở Nam Mỹ với lực lượng lên đến hàng chục ngàn người.
Công tố viên Argentina Alberto Nisman - Ảnh: Reuters
Công tố viên Argentina Alberto Nisman ngày 29.5 chính thức buộc tội Iran thiết lập các cơ sở tình báo bí mật tại nhiều nước ở Nam Mỹ để tấn công khủng bố. Theo Fox News, ông Nisman suốt 20 năm qua đã tham gia tìm kiếm bằng chứng buộc tội một số cựu quan chức Iran chủ mưu vụ đánh bom trung tâm cộng đồng Do Thái AMIA ở thủ đô Buenos Aires vào năm 1994 làm 85 người thiệt mạng.
40.000 “tai mắt” ở Tây bán cầu
Trong một tài liệu dày 502 trang, công tố viên Nisman khẳng định đã thu thập vô số bằng chứng chứng minh cái ông gọi là “một mạng lưới tình báo và khủng bố” ở Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay, Chile, Colombia, Guyana, Trinidad & Tobago và Surinam. Theo AFP, người mà ông Nisman cáo buộc đảm trách vai trò chính trong hoạt động này là Mohsen Rabbani, cựu tùy viên văn hóa Iran tại Buenos Aires. Ông cũng buộc tội Iran sử dụng các cơ quan ngoại giao cũng như các tổ chức văn hóa và từ thiện của nước này để che giấu hoạt động khủng bố.
Tài liệu của ông Nisman không tiết lộ số lượng nhân sự chính xác của “mạng lưới khủng bố” mà Tehran thiết lập tại Nam Mỹ. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, trang World Net Daily dẫn nguồn tin đối lập Iran cho biết nước này hiện đã “cài cắm” hơn 40.000 nhân viên an ninh, tình báo và tuyên truyền tại các nước Bolivia, Brazil, Guatemala, Nicaragua, Ecuador và Venezuela. Cộng với những quốc gia được công tố viên Nisman đề cập trong tài liệu của mình, có thể thấy “mạng lưới khủng bố” mà Iran bị cáo buộc đã tạo lập rõ ràng bao trùm gần như toàn bộ khu vực Nam Mỹ.
Những lo ngại của ông Nisman phù hợp với các động thái đề phòng và cảnh báo của Mỹ trước đó. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành “Đạo luật đối phó Iran ở Tây bán cầu” nhằm đánh giá những hiểm họa liên quan đến Tehran ở khu vực Trung và Nam Mỹ. Lo ngại về Iran ở Nam Mỹ đã “chạm ngưỡng” vào tháng 10.2011, khi Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ một âm mưu bất thành của giới chức Iran sử dụng một băng nhóm buôn lậu ma túy Mexico để ám sát một nhà ngoại giao cao cấp của Ả Rập Xê Út ở thủ đô Washington. Dĩ nhiên, Iran đã mạnh mẽ phản bác cáo buộc này.
Nhiều vụ “dính líu” Iran
Vụ đánh bom tòa nhà AIMA vào ngày 18.7.1994 được xem là đẫm máu nhất Argentina. Theo trang tin Xklsv.org, vào hôm đó một chiếc Renault Traffic chứa 275 kg hỗn hợp phân bón ammonium nitrate và dầu nhiên liệu được kích nổ trước trung tâm AIMA tại một khu thương mại đông đúc của Buenos Aires. Vụ nổ đã phá sập tòa nhà, khiến 85 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương. Vài ngày sau khi xảy ra vụ việc, Israel đã cử các nhân viên tình báo sang hỗ trợ điều tra. Argentina cũng đã đóng cửa biên giới vì lo ngại sẽ có thêm những phần tử khủng bố khác xâm nhập nước này.
Theo AFP, các tòa án của Argentina đến nay đã truy tố 8 người gồm cựu và đương kim quan chức Iran trong vụ đánh bom, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Ahmad Vahidi và cựu lãnh đạo Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Mohsen Rezai. Cả hai hiện là ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 14.6 tới. Thậm chí, cựu Tổng thống Iran Ali Rafsanjani cũng nằm trong danh sách 8 người nói trên. Iran và Argentina đã rút đại sứ của nhau về nước sau khi Buenos Aires buộc tội những người Iran. Tehran luôn bác bỏ mọi dính líu tới vụ việc.
Hai năm trước khi xảy ra vụ tấn công tòa nhà AIMA, vào ngày 17.3.1992, một kẻ đánh bom liều chết đã lao chiếc xe bán tải cài bom vào mặt trước Đại sứ quán Israel ở Buenos Aires. Tòa đại sứ, một nhà thờ Thiên Chúa giáo và một trường học gần đó đã bị phá hủy. Tổng cộng 29 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Theo báo Los Angeles Times, Tổ chức Hồi giáo Jihad, vốn có liên hệ với Iran và phong trào Hezbollah ở Li Băng, đã nhận trách nhiệm vụ việc.
Mới đây nhất, giới chức Iran bị cáo buộc dự định mượn tay băng nhóm Mexico để ám sát Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Mỹ Adel al-Jubeir. Cáo buộc này lại khiến dư luận chú ý đến sự “hiện diện” của Iran ở cả châu Mỹ, chứ không chỉ gói gọn ở Nam Mỹ như lời buộc tội của công tố viên Nisman. Manssor Arbabsiar, người thừa nhận từng sang Mexico nhiều lần để thu xếp vụ ám sát ông al-Jubeir, đã bị một tòa án Mỹ kết án 25 năm tù vào ngày 30.5 vừa qua, theo AP. Trong báo cáo thường niên gửi quốc hội Mỹ cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định “hoạt động khủng bố của Iran và Hezbollah đã đạt tốc độ chưa từng thấy kể từ thập niên 1990 với những vụ tấn công được hoạch định ở Đông Nam Á, châu Âu và châu Phi”.
Theo Trùng Quang/Thanh Niên