Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi tránh "cưỡng ép" ở Biển Đông

Cập nhật ngày: 04/09/2012 07:09:31

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua đã kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á hình thành mặt trận thống nhất và đoàn kết trong vấn đề Biển Đông, đồng thời cảnh báo “tránh mọi hành động cưỡng ép” ở vùng biển này.


Bà Hillary phát biểu họp báo chung với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa tại Jakarta ngày 3/9/2012.

Phát biểu hội đàm với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa tại thủ đô Jakarta ngày hôm qua, bà Hillary nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng nước này "có lợi ích quốc gia" trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông, khu vực vốn đang chất chứa nhiều căng thẳng.

"Chúng tôi tin rằng các nước trong khu vực cần hợp tác với nhau để giải quyết tranh chấp, không được cưỡng ép, hăm họa, không đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng vũ lực", bà Hillary nói.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng yêu cầu các bên đẩy mạnh hợp tác xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và bày tỏ hy vọng các bên sẽ đạt được bước tiến thực sự trước Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra vào tháng 11 tới.

“Các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc cần đạt được những tiến triển có ý nghĩa hướng tới việc thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Jakarta là chặng dừng chân thứ hai của Ngoại trưởng Hillary trong chuyến công du kéo dài 11 ngày đến 6 quốc gia châu Á và Nga. Đây cũng là thành phố đặt trụ sở của ASEAN.

Việc bà Hillary chọn dừng chân ở Indonesia phát đi thông điệp về sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với kế hoạch chung của ASEAN trong việc đẩy nhanh xây dựng COC mang tính ràng buộc đối với tất cả các bên có tranh chấp ở Biển Đông.

Indonesia là nước đóng vai trò chủ đạo trong việc tìm kiếm đồng thuận nội khối sau khi các Ngoại trưởng ASEAN không thể ra được tuyên bố chung cho Hội nghị AMM 45, tổ chức tại Phnom Penh hồi tháng 7, do bất đồng quan điểm về tranh chấp trên Biển Đông.

“Ngoại trưởng Mỹ muốn củng cố đoàn kết trong ASEAN để giúp khối này tiếp tục tiến về phía trước”, một quan chức cấp cao của Mỹ phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay đưa bà Hillary từ đảo Cook đến Indonesia.

Trước đó, bà Hillary tham dự Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) tại đảo Cook, nơi bà khẳng định Washington đang tìm kiếm “mô hình đối tác kiểu Mỹ” ở vùng biển Thái Bình Dương rộng lớn.

Theo kế hoạch, sau Jakarta, bà Hillary sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 4-5/9, thăm Đông Timor và Brunei trước khi đến Nga dự Hội nghị thượng đỉnh APEC 2012.

Tại Trung Quốc, bà Hillary sẽ có các cuộc gặp với một loạt quan chức nước chủ nhà để bàn về vấn đề Biển Đông và một số vấn đề khác như khủng hoảng Syria, chương trình hạt nhân của Iran, Triều Tiên.

Chuyến thăm khẳng định quan điểm

Giới quan sát đánh giá rằng chuyến thăm tới 6 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương lần này của bà Hillary là cơ hội cuối cùng để chính quyền của Tổng thống Barack Obama khẳng định quan điểm về khu vực và vấn đề Biển Đông trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra ngày 6/11 tới.

Biển Đông là nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei. Tình hình tại vùng biển này trở nên căng thẳng nhiều tháng qua, thu hút sự chú ý của thế giới.

Cách đây hơn hai năm, Mỹ từng khẳng định “có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo an ninh và tự do hàng hải” ở Biển Đông, nhưng nước này sẽ “không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền”.

Vì vậy trong chuyến đi này, bà Hillary có một nhiệm vụ quan trọng là phải cố gắng thúc đẩy các bên đạt được tiến triển thực sự về COC trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21, mà Tổng thống Obama dự tính sẽ tham dự.

Chuyến thăm được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc đang rất lo ngại về việc Mỹ chú trọng nhiều hơn tới các mối quan hệ ở châu Á, đặc biệt khi căng thẳng ở Đông Á đang tiếp tục gia tăng với các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ giữa Nhật Bản với Trung Quốc (trên biển Hoa Đông), Nhật Bản với Hàn Quốc (trên biển Nhật Bản), Trung Quốc với Philippines và Việt Nam (trên Biển Đông).

"Tôi không nghĩ rằng đây là một chuyến viếng thăm thường lệ. Chuyến thăm này chắc chắn có liên hệ tới sự gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Philippines”, Giáo sư Tạ Thao thuộc trường Đại học Ngoại ngữ ở Bắc Kinh nhận xét.

Tuy nhiên, ông Tạ Thao cũng cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc khó lòng theo đuổi một đường lối mềm mỏng về chủ quyền vào thời điểm hiện nay.

“Trung Quốc đang ở vào thời điểm nhạy cảm về chính trị với cuộc chuyển giao quyền lực lãnh đạo ở cấp cao nhất. Hiện đang có động lực rất mạnh để giới lãnh đạo Trung Quốc có thái độ cứng rắn để kích động tình cảm dân tộc", Giáo sư Tạ nói thêm.

Trung Quốc tuyên bố muốn giải quyết các vụ tranh chấp với từng nước trong khu vực, song cả Mỹ và ASEAN đều muốn Bắc Kinh giải quyết các vấn đề tranh chấp một cách tổng thể trên cơ sở một văn kiện mang tính ràng buộc chung.

Theo Dân Trí

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn