Phát hiện loài tắc kè hoa nhỏ chỉ bằng hạt hướng dương

Cập nhật ngày: 06/02/2021 06:02:55

Các nhà khoa học cho biết họ đã phát hiện ra một phân loài tắc kè hoa có kích thước chỉ bằng hạt hướng dương, đây có thể là loài bò sát nhỏ nhất trên Trái đất.


Loài tắc kè hoa mới được phát hiện này rất nhỏ, chỉ nằm gọn trên đầu ngón tay. Ảnh: F. GLAW

Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports ngày 28-1, một nhóm thám hiểm người Đức và Madagasca đã phát hiện một cặp tắc kè đực và cái rất nhỏ ở miền bắc Madagascar.

Nhà nghiên cứu động vật học Frank Glaw, thuộc Viện sưu tầm Động vật học bang Bavarian, Munich, Đức và các đồng nghiệp cho biết, con cái có chiều dài 28,9 mm, lớn hơn đáng kể so với con đực dài 21,6 mm. Nhưng cơ quan sinh dục của con đực khá lớn - gần 20% chiều dài cơ thể - để phù hợp với người bạn đời của mình.

Loài này được đặt tên là Brookesia nana vì kích thước siêu nhỏ của nó. Loài này thuộc một chi gồm ít nhất 13 loài tắc kè hoa nhỏ khác trải dài khắp các khu rừng miền núi phía bắc Madagascar. Đây là loài nhỏ nhất trong số khoảng 11.500 loài bò sát được biết đến.


Loài tắc kè hoa Brookesia nana được xem là loài bò sát nhỏ nhất thế giới. Ảnh: Scientific Reports

Tại sao B. nana và những người anh em họ của nó lại thu mình đến tỷ lệ cực nhỏ như vậy vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng sự nhỏ bé cũng có những thế mạnh, có một số bằng chứng cho thấy tắc kè hoa nhỏ đặc biệt tốt khi bắt mồi bằng lưỡi.

Nhóm của ông Glaw phán đoán, vào ban ngày, tắc kè hoa Brookesia lùng sục khắp các tầng rừng, chộp lấy ve và các động vật không xương sống nhỏ khác. Vào ban đêm, chúng lùi lên phía trên, bám chặt cỏ hoặc các loại cây khác để bảo đảm an toàn.

Các nhà khoa học không thể tìm thấy thêm các mẫu vật khác của loài mới này, “mặc dù đã rất cố gắng”.

Họ hàng gần nhất của loài này là Brookesia micra lớn hơn một chút, được công bố vào năm 2012.

Các nhà nghiên cứu cho biết, nạn phá rừng và suy thoái môi trường sống đe dọa tương lai của B. nana, mặc dù khu vực nơi loài tắc kè hoa nhỏ được tìm thấy gần đây đã được chính phủ Malagasy chỉ định là khu bảo tồn. Loài này có thể sớm được xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp, xếp hạng cao nhất do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đưa ra.

TRÀ LAM/NDĐT (Theo Reuters, Sciencenews)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn