Quốc gia thứ 7 tham gia cuộc đua lên vũ trụ

Cập nhật ngày: 03/04/2021 06:22:24

Những ngày cuối tháng 3, Hàn Quốc đã phóng thành công vệ tinh CAS500 quan sát mặt đất tầm trung thế hệ mới đầu tiên. Đây là bước tiến lịch sử đối với ngành công nghiệp vũ trụ Hàn Quốc, cho thấy Seoul đã sẵn sàng bắt kịp với xu thế toàn cầu về khám phá vũ trụ. 


Vệ tinh CAS500 trước ngày được đưa lên quỹ đạo

Vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh cỡ trung thế hệ mới số 1 nặng khoảng 500kg, được trang bị một máy ảnh quang điện độ chính xác cao, có thể chụp ảnh xe ô tô ở độ cao 500km so với bề mặt Trái đất. 4 năm tới, vệ tinh này sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như quản lý tài nguyên, kiểm soát thiên tai.

Thông thường, phải mất hơn 270 triệu USD và thời gian 7 năm để phát triển một vệ tinh ở trình độ như vậy, nhưng Seoul chỉ mất 140 triệu USD trong thời gian 5 năm. Đáng chú ý, 91% linh kiện chủ chốt của vệ tinh được sản xuất bằng công nghệ “made in Korea”, thiết kế phần thân và hệ thống của vệ tinh đều dựa trên công nghệ nội địa. 

Kể từ khi bắt đầu phát triển vệ tinh từ những năm 1990, Hàn Quốc đã sản xuất 16 vệ tinh cỡ nhỏ. Tuy nhiên, lần này Seoul đã sản xuất thành công vệ tinh cỡ trung, với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI), một cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân.

Dựa trên chuyển giao công nghệ từ KARI, Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình phát triển và phóng một vệ tinh cỡ trung khác dự kiến vào nửa đầu năm sau. Seoul cũng có kế hoạch phóng tên lửa đẩy gắn vệ tinh đầu tiên vào tháng 10 năm nay. Nếu phóng thử thành công, Hàn Quốc sẽ trở thành nước thứ 7 trên thế giới sở hữu công nghệ phóng vệ tinh vào không gian, sau Mỹ, Nga, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Không gian và ngành công nghiệp vũ trụ thường không xa vời như nhiều người tưởng tượng. Không chỉ các vụ phóng tên lửa hay tàu vũ trụ có người lái, ngành công nghiệp vũ trụ hiện đang được nhìn nhận từ quan điểm kinh doanh. Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley ước tính quy mô ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu sẽ lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2040.

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi xướng chương trình Artemis, đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng. Các công ty tư nhân như SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk, hay công ty Virgin Galactic và Tập đoàn Boeing đang rất tích cực khám phá không gian. Nhờ sự phát triển của các công nghệ liên quan, taxi vũ trụ hay du lịch vũ trụ sẽ không còn là sự hiếu kỳ của số ít mà sẽ dần trở nên phổ biến, như một dịch vụ dành cho công chúng. Trung Quốc và Nga đang nỗ lực xây dựng một trạm vũ trụ chung để bay lên Mặt trăng, hợp tác khám phá Mặt trăng, sao Hỏa. Mỹ, Australia và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang hợp tác phát triển không gian vũ trụ.

Hàn Quốc cũng đang tăng tốc để phát triển công nghệ vũ trụ riêng. Seoul vừa qua đã công bố chiến lược phát triển không gian, đặt mục tiêu trở thành nước phát triển không gian thứ 7 trên thế giới. Hàn Quốc có kế hoạch đưa vệ tinh vào quỹ đạo Mặt trăng lần đầu tiên vào năm tới và hiện thực hóa giấc mơ hạ cánh xuống Mặt trăng nào năm 2030.

MINH CHÂU (SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn