Siêu bão Goni đổ bộ vào Philippines với sức gió hủy diệt
Cập nhật ngày: 01/11/2020 14:11:24
Theo dự báo của giới chuyên gia độc lập, cơn bão Goni là một cơn “siêu bão”, nó đạt đến mức độ "hoàn hảo" về phương diện khí tượng của một cơn bão lớn nhất.
Theo tin từ Tổng cục Phòng chống thiên tai tổng hợp từ các nguồn của Pasaga, NDRRMC và CNN của Philippines, vào lúc 4 giờ 50 phút sáng 1-11 (Chủ nhật), siêu bão Rolly (tiếng địa phương Goni) đã đổ bộ vào vùng lân cận đảo Catanduanes, đô thị Bato (Philippines).
Bão Rolly đổ bộ vào Bato trên đảo Catanduanes. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai
Trong khi đó, đã có khoảng 29.426 gia đình, với trên 109.700 người ở tỉnh Camarines Sur, gần đảo Catanduanes đã sơ tán khỏi nhà đến nơi an toàn tránh trú bão. Ngoài ra, 17.561 người thuộc 4.890 hộ gia đình ở Bicol trên đảo Catanduanes cũng đã sơ tán khỏi những ngôi nhà nguy cơ ảnh hưởng của sạt lở đất.
Đến khoảng 7 giờ 20 phút sáng 1-11 theo giờ địa phương, bão Goni đã ở Tiwi, Albay với sức gió 225km/h, giật 310 km/h.
Theo Pasaga, cơ quan dịch vụ khí tượng địa chất Philippines thông báo rằng, bão Goni đã mạnh thành siêu bão (CAT 5), trước khi đổ bộ. Các cơ quan chức năng của Philippines cho biết, người dân thị trấn Mauban ở Quenzon và các tỉnh Aurora và Batangas đã rời khỏi nhà của họ vào thứ Bảy (tức ngày 31-10).
Theo dự báo, khi bão Goni đổ bộ vào vùng lân cận Tiwi, Albay, tâm bão sẽ đi qua các tỉnh Camarines trước khi hướng đến khu vực Marinduque – Nam Quezon vào chiều 1-11, theo giờ địa phương.
Từ đêm 1 đến sáng 2-11, bão Goni sẽ thoát ra khỏi vùng đất liền Luzon, xuất hiện trên biển Tây Philippines. Trong quá trình đi qua Nam Luzon, bão sẽ suy yếu nhưng sẽ mạnh lại trên biển Tây Philippines.
Đường đi của bão Goni theo dự đoán của đài khí tượng các nước. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai
Cơ quan thời tiết Pasaga cảnh báo, hôm Chủ nhật (tức ngày 1-11) có nguy cơ triều cường cao 3m trên các khu vực ven biển của Catanduanes và Camarines Norte và các khu vực ven biển phía Bắc của Quezon, bao gồm quần đảo Polillo và Camarines Sur trong 24 giờ tới.
Pasaga cũng cho biết, nguy cơ cao xảy ra triều cường lên đến 3m trên các khu vực ven biển của Metro Manila, Cavite, Bulacan, Pampanga, Bataan, khu vực ven biển Đông Nam Batangas (đối diện với Vịnh Tayabas) và hầu hết các khu vực ven biển phía Nam của Quezon.
Bão Goni là cơn bão nhiệt đới thứ 18 đổ bộ vào Philippines chỉ trong năm nay. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào nước này, kể từ sau siêu bão Haiyan vào năm 2013 khiến 7.300 người thiệt mạng và mất tích. Trước nguy cơ của Goni, chính quyền Philippines đã chủ động sơ tán hơn 1 triệu dân, quân đội được huy động đặt trong tình trạng cơ động, trực chiến.
Các khu vực bị ảnh hưởng theo từng mức độ báo động tại Philippines khi bão Goni đổ bộ. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai
Để chuẩn bị ứng phó và cứu trợ người dân sau thảm họa bão Goni, Chính phủ Philippines cùng Bộ Phát triển và Phúc lợi xã hội nước này đã phê duyệt từ sớm ngân sách dự phòng để cứu trợ cho người dân, tổng ngân sách lên đến 879.862.791 Pê-sô (tương đương khoảng 18.171.000 USD). Trong đó 301.902.360 Pê-sô là quỹ tiền mặt dự phòng ứng phó khẩn cấp cho Văn phòng Trung ương cấp phát.
Số tiền còn lại để mua sắm và cấp phát các Thùng hàng thực phẩm gia đình, các mặt hàng thực phẩm khác và đồ cứu trợ ngoài thực phẩm.
Theo nhận định vào ngày 31-10 của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia dự báo độc lập, bão Goni là một siêu bão đạt đến mức độ hoàn hảo về phương diện khí tượng của một cơn bão lớn nhất.
Vận tốc gió của bão đạt cấp cao nhất lên đến 295km/h. Với sức gió đó nó có thể thổi chiếc xe 4-16 chỗ lăn mấy vòng cho đến khi gặp chướng ngại vật. Nó thổi đổ cả xe container và vò nát các mái nhà lợp tôn, lợp ngói; nhà cao tầng mà cũ kỹ cũng bị nó đánh đổ, các tấm kính của tòa nhà cao tầng có thể bị đánh vỡ vụn…
“Tâm bão đang rất tròn, vành mây bão mịn và đối xứng ở 4 mặt nên không có các đĩa bão bị phân tán và rơi rớt trên đường nó đi.”, TS Huy nhận định.
Cũng theo TS Huy, cơn bão Goni khi đi vào biển Đông có thể sẽ giảm cấp xuống còn bão nhiệt đới mạnh cấp 10-11, giật cấp 12 và phải làm lại từ đầu để tập hợp năng lượng.
“Tôi nhận định khi vào đất liền của Việt Nam khoảng ngày 4-11 bão có thể giảm cấp với gió cấp 8-9, giật cấp 10. Khả năng mưa hoàn lưu bão rất lớn trong ngày 4 và 5-11 ở Trung Bộ và Nam Trung Bộ…”, TS Nguyễn Ngọc Huy viết nhận định.
NGỌC OAI (SGGP)