Số ca tử vong vì dịch Covid-19 ở Nhật Bản vẫn đang tăng cao
Cập nhật ngày: 18/01/2023 06:23:49
Từ tháng 12/2022 tới nay, Nhật Bản có 12.620 người tử vong vì dịch Covid-19; riêng số ca tử vong trong 2 tuần đầu tiên của tháng 1/2023 cũng lên tới 4.998 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 khi đi trên đường phố tại Osaka, Nhật Bản (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Dù Nhật Bản đã bước vào năm thứ tư của đại dịch Covid-19 vào ngày 16/1 nhưng số ca tử vong vì dịch bệnh này vẫn đang tăng cao.
Đáng chú ý, ngày 11/1, nước này ghi nhận thêm 520 ca tử vong, cao nhất từ trước tới nay.
Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết, kể từ khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên vào tháng 1/2020 tới ngày 14/1/2023, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 31 triệu ca mắc, trong đó có 62.264 ca tử vong.
Riêng từ tháng 12/2022 tới nay, nước này có 12.620 người tử vong. Đáng chú ý, riêng trong tháng 12/2022, số ca tử vong tăng mạnh, lên 7.622 ca so với con số 1.864 ca trong tháng 10 và 2.985 ca trong tháng 11. Số ca tử vong trong 2 tuần đầu tiên của tháng 1/2023 cũng lên tới 4.998 ca.
Năm 2022, Nhật Bản đối mặt với 3 đợt bùng phát dịch do sự xuất hiện của biến thể Omicron và các biến thể dòng phụ, trong đó mạnh nhất là đợt bùng phát thứ bảy, diễn ra trong gần như cả quý III/2022, với số ca nhiễm mới cao nhất lên tới 255.485 ca vào ngày 18/8/2022.
Tuy nhiên, khác với các đợt bùng phát thứ sáu và bảy, trong đợt bùng phát thứ tám hiện nay, chủ yếu do biến thể phụ BA.5 của Omicron, số ca tử vong ở Nhật Bản đang tăng khá mạnh.
Lý giải về sự bất thường này, Giáo sư Atsuo Hamada tại Đại học Y Tokyo cho rằng, do chính phủ không còn yêu cầu phải xác định tất cả các ca nhiễm mới nên nhiều khả năng số ca nhiễm mới trên thực tế của đợt bùng phát thứ tám có thể cao hơn so với đợt bùng phát thứ bảy.
Bên cạnh đó, các cụm lây nhiễm đã xuất hiện ngày càng nhiều ở các cơ sở chăm sóc người già, nơi có nhiều người có các bệnh lý nền. Vì vậy, Giáo sư Hamada nhấn mạnh để giảm số ca tử vong, cần thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan trong người cao tuổi bằng cách tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các cơ sở dưỡng lão.
Mặc dù số ca nhiễm mới và tỷ lệ tử vong tăng cao nhưng kể từ đợt bùng phát thứ bảy tới nay, chính phủ Nhật Bản chưa ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19 hay hạn chế các hoạt động kinh tế-xã hội, một phần do tỷ lệ bao phủ vaccine ở nước này khá cao và nguy cơ mắc các triệu chứng nặng ở những người nhiễm virus đã giảm.
Thậm chí, nước này còn rút ngắn thời gian cách ly đối với người mắc Covid-19 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới. Bộ trên cũng đang thảo luận về việc liệu đã tới lúc đưa dịch Covid-19 vào nhóm 5 cùng với cúm mùa hay không.
Hiện nay, các bệnh nhân Covid-19 chỉ được nhập viện ở các cơ sở y tế chỉ định, nhưng nếu dịch Covid-19 được đưa vào chung nhóm với cúm mùa, họ có thể tới bất cứ bệnh viện nào.
Trong diễn biến liên quan, chính quyền tỉnh Shizuoka ngày 13/1 đã quyết định công bố dịch trên địa bàn nhằm ngăn chặn hệ thống y tế ở tỉnh này rơi vào tình trạng quá tải, trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng giường dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 đã vượt quá 80%.
Đây là tỉnh thứ hai ở Nhật Bản đưa ra quyết định như vậy sau Gifu, vốn đã công bố dịch vào ngày 23/12 năm ngoái. Quyết định của tỉnh Shizuoka sẽ có hiệu lực tới ngày 10/2.
Theo TTXVN/NDO