Tàu cá đi trước - Tàu chiến theo sau
Cập nhật ngày: 20/04/2013 08:18:58
Nếu Bắc Kinh nhân cơ hội cộng đồng quốc tế tập trung tháo gỡ nút thắt trên bán đảo Triều Tiên, để âm thầm thôn tính Biển Đông thì các nước nhỏ yếu trong khu vực này khó có thể lật ngược thế cờ - tái chiếm đảo thì không đủ lực, đưa Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế cũng chẳng lấy lại được lãnh thổ đã mất bởi Bắc Kinh không quan tâm tới dư luận. Ngoài ra, Trung Quốc đang sử dụng chiến lược “tiên chiến hậu đàm”, đặt tất cả trước tình trạng “đã rồi”.
Tham vọng và mưu toan không đổi
Tuy không nói thẳng về điểm nóng nhưng động thái của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây được coi là sự biểu lộ thái độ trực tiếp về vấn đề Biển Đông khi thảo luận với lãnh đạo một số quốc gia có mặt tại Diễn đàn Bác Ngao sau khi lãnh đạo các nước đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Nhật Bản đều vắng mặt. Việc sở hữu tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, cho chạy thử tàu tuần tra và cứu hộ biển Hải tuần 01 tại Thượng Hải (lớn nhất Trung Quốc), chính thức lên sóng kênh phát thanh “Tiếng nói Biển Đông” với 6 ngôn ngữ cho thấy Trung Quốc sẽ đưa ra “phát ngôn chính thống” đối với các vấn đề liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông, cũng như tuyên truyền về các hoạt động tuần tra, chấp pháp bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” tại khu vực này của Bắc Kinh.
Tàu Hải giám 83, một trong các tàu Trung Quốc tuần tra trái phép tại Hoàng Sa
Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia từng khuyến cáo, chiến thuật “hải giám đi trước, chiến hạm theo sau” là kiểu “làm luật tại Biển Đông và biển Hoa Đông” mà Trung Quốc đã và đang tiến hành. Giới quân sự từng nhiều lần cảnh báo: tàu hải giám Trung Quốc thực chất là những tàu được trang bị vũ khí và được huấn luyện bởi Hải quân Trung Quốc. Đây thực chất là phương tiện quân sự giả danh tàu dân sự nhằm thực hiện việc quấy nhiễu và xâm phạm vùng biển của các nước hữu quan.
Ông Carlyle Thayer còn cho rằng, nếu tàu Hải quân Trung Quốc can dự vào việc chống ngư dân đánh cá thì có thể hiểu đó là dấu hiệu lực lượng quân sự đóng vai trò lớn hơn trong chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Trung Quốc phát triển các đội tàu bán quân sự và quân sự để phục vụ mưu đồ độc chiếm khai thác tài nguyên Biển Đông, tìm cách làm gián đoạn các hoạt động thăm dò dầu mỏ của Philippines ở vùng biển tranh chấp, cũng như gia tăng áp lực với Philippines và Việt Nam để cùng thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí thông qua cái gọi là “cùng phát triển”.
Gần 1 năm trước (28/6/2012), tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng lời kêu gọi của ông Hạ Kiến Bân, Chủ tịch Tập đoàn Quốc doanh Ngư nghiệp Bảo Sa thuộc tỉnh Hải Nam - thúc giục Bắc Kinh vũ trang và huấn luyện quân sự cho 100.000 ngư dân Trung Quốc để lực lượng này tiến ra Biển Đông. Ông Hạ Kiến Bân cho rằng, nên huấn luyện họ từ giữa tháng 5 đến tháng 8 hằng năm khi hoạt động đánh bắt tạm nghỉ để biến họ thành lực lượng dự bị trên biển và sử dụng khi giải quyết các vấn đề trên Biển Đông. Đề xuất của ông Hạ Kiến Bân phản ánh rõ tư tưởng quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh và đây là mưu đồ cực kỳ nguy hiểm. Việc này diễn ra sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam ngày 21/6/2012.
Giới chuyên môn cảnh báo, Bắc Kinh đã và đang khai thác tối đa mọi điều kiện để thực hiện âm mưu của họ nên nhiều người lo ngại Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc “chiến tranh vải thiều”, “chiến tranh gạo”, “chiến tranh dừa”, “chiến tranh dưa hấu”… với Việt Nam. Có không ít chuyên gia quân sự nhận định, với những động thái hiện nay không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ xua tàu cá dưới sự hộ tống của hải giám quấy rối tại khu vực tranh chấp, rồi mượn cớ gây hấn. Khi đó tàu chiến xuất hiện và xung đột quy mô nhỏ có thể diễn ra.
Theo Giáo sư Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cuộc thao diễn của các tàu chiến Trung Quốc mới đây nhằm gửi đi một thông điệp: Bắc Kinh có khả năng hoạt động ở những nơi cách xa lục địa, có thể đổ bộ lên các hòn đảo và chiếm các hòn đảo để giải quyết tranh chấp. Từ năm 1995, Bắc Kinh đã đưa ra “Chiến lược khai thác biển” với mục tiêu biến Trung Quốc thành cường quốc biển, có khả năng kiểm soát và khống chế đường biển, khai thác tài nguyên biển. Bởi Trung Quốc cho rằng, không thể trở thành cường quốc toàn diện nếu không phải là cường quốc biển.
Kể từ 18/2, lính Trung Quốc đồn trú (trái phép) trên Đá Vành Khăn (trong cụm Bình Nguyên, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) suốt 20 năm nay khoác áo Ngư chính đã chính thức thay quân phục quân đội Trung Quốc. Đây là “thái độ cứng rắn và bước đột phá quan trọng” của cái gọi là “bảo vệ chủ quyền” của Trung Quốc. Theo thống kê, từ đầu năm 2013, Trung Quốc liên tục triển khai các đội tàu vũ trang dưới vỏ hải giám, hải tuần, ngư chính có máy bay trực thăng công khai xâm nhập các vùng nước thuộc chủ quyền và cả quyền quản lý trên thực tế của Việt Nam để thực hiện cái gọi là “tuần tra định kỳ” ở Biển Đông.
Nói một đằng, làm một nẻo
Theo giới truyền thông, kể từ khi căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc cũng liên tiếp gia tăng hoạt động trên Biển Đông, khởi đầu là quyết định sáp nhập toàn bộ lực lượng chấp pháp biển (Hải quan, Hải cảnh, Hải tuần, Hải giám và Ngư chính), tiếp đến là thành lập Cục Cảnh sát biển và nâng cấp Cục Hải dương Quốc gia. Theo thống kê, từ năm 2000, Trung Quốc đã đầu tư lực lượng cho các cơ quan dân sự có liên quan đến biển. Quân đội cũng chuyển 11 tàu chiến cũ cho Cơ quan Giám sát hàng hải và đơn vị này cũng đã đóng 13 tàu cho riêng mình, dự định đóng thêm 36 chiếc nữa. Trước năm 2000, Cục Hải dương Quốc gia không có bất kỳ tàu tuần tra nào đủ mạnh cho dù thành lập lực lượng hải giám từ năm 1998. Tính đến nay, lực lượng hải giám sở hữu khoảng 400 tàu và 10 máy bay, trong đó có trực thăng Mi-8 của Nga và máy bay vận tải Y-12.
Giới chuyên môn đang cảnh báo về một loại “vũ khí mới” được Bắc Kinh sử dụng nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông - đó là tàu du lịch và du khách. Việc triển khai tàu du lịch cùng nhiều tàu thuyền khác để “khẳng định chủ quyền” ở Biển Đông đã đưa ra một định nghĩa mới về cái gọi là “sự nổi lên hòa bình” của Trung Quốc. Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc đã tính toán kỹ khi đưa tàu du lịch với hàng ngàn du khách ra Biển Đông để “khẳng định chủ quyền” bởi các nước láng giềng sẽ không dám bắn vào một tàu đang chở du khách và đây là một thách thức mới đối với các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, bằng cách sử dụng lực lượng không được vũ trang để tranh giành chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc đã khai thác được “điểm yếu” trong lập trường của Mỹ - thực hiện đúng lời kêu gọi của Washington là không dùng vũ lực để giải quyết các cuộc tranh chấp.
Ngày 19/3, Tân Hoa xã cho biết, số liệu do tàu Xương Vinh 2 thu thập (trái phép) được vô cùng phong phú, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam “rất phù hợp để triển khai đánh bắt quy mô lớn”. Xương Vinh 2 là tàu đầu tiên của Trung Quốc được phái xuống Biển Đông (từ 2/12/2012) để thực hiện cái gọi là “điều tra tài nguyên nghề cá” và quay trở về Trung Quốc sau khi tìm hiểu và thu thập số liệu về quy luật hoạt động của cá tại khu vực này. Trước đó (17/3), tàu nghiên cứu khoa học Nam Phong của Trung Quốc (tàu nghiên cứu khoa học ngư nghiệp đầu tiên do Trung Quốc đóng và là tàu lớn nhất châu Á thuộc dạng này) ngang nhiên đến khu vực biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để thực hiện cái gọi là “nghiên cứu khoa học tài nguyên ngư nghiệp” và đây là đợt nghiên cứu mới nhất của Trung Quốc về tài nguyên ngư nghiệp ở Trường Sa.
Giới bình luận cho rằng, Trung Quốc muốn trì hoãn các cuộc đàm phán soạn thảo COC và điều này không khiến dư luận ngạc nhiên bởi những động thái trong thời gian qua của Bắc Kinh đã minh chứng nhận định này. Nhận định này xuất hiện sau khi Hoàng thân Mohamed Bolkiah, Ngoại trưởng Brunei khẳng định, hoàn tất COC là mục tiêu hàng đầu của Brunei trong năm nay. Dư luận từng thực sự cảm thấy bất an trước cách hành xử của Trung Quốc tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Campuchia (từ 18 đến 20/11/2012) bởi một lần nữa Bắc Kinh đã thể hiện rõ việc không muốn thảo luận COC với ASEAN. Điều này cho thấy, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 diễn ra vào ngày 24 và 25/4 sẽ khó đạt được đột phá trong việc thúc đẩy để sớm soạn thảo COC.
Ngày 2/3, giới truyền thông Trung Quốc dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Học viện Hành chính Quốc gia cho hay, Bắc Kinh đã thành lập Ban Lãnh đạo công tác bảo vệ quyền, lợi ích biển của Trung Quốc, gọi tắt là Ban Chủ quyền biển trung ương tập hợp các quan chức thuộc Cục Hải dương Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và quân đội. Trước đó (29/1), khi phát biểu trước Hội nghị Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ không bao giờ đem “lợi ích cốt lõi” đi đổi chác, Bắc Kinh quyết không thỏa hiệp về “chủ quyền, an ninh và lợi ích của mình”. Thiếu tướng La Viện, Phó tổng thư ký Hiệp hội Khoa học Quân sự Trung Quốc từng kêu gọi Bắc Kinh hiện thực hóa các hành động để củng cố 6 sự hiện diện ở quần đảo tranh chấp, gồm sự hiện diện của chính quyền, sự tồn tại của hệ thống luật pháp, sự hiện diện quân sự, đội ngũ thực thi luật pháp, kinh tế và sự hiện diện của ý kiến công chúng.
Nhiều nước nâng cao cảnh giác đối với Trung Quốc
Mỹ cho rằng, tàu giám sát hàng hải của Trung Quốc không thực hiện nhiệm vụ gì ngoài việc quấy nhiễu nước khác với mục đích để xác lập chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông. Theo trang mạng sina, trên biển châu Á đang diễn ra một cuộc chạy đua tàu ngầm và Trung Quốc đang dùng tàu ngầm để đe dọa các nước ở Biển Đông. Được biết, trong 7 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng một số căn cứ tàu ngầm như Du Lâm, Á Long, Hạ Xuyên. Mỹ có lợi ích lâu dài tại Châu Á - Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục duy trì vị trí bản lề tại khu vực này, đồng thời ủng hộ sự thống nhất trong ASEAN và hoan nghênh nỗ lực của các nước thành viên trong việc xây dựng COC được coi là quan điểm của Washington xung quanh chủ đề này.
Washington tuy không phải là nước tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông, nhưng kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Hạm đội 7 của Mỹ vẫn túc trực ở đây khiến các nước hữu quan phải kiềm chế trong xử lý tranh chấp lãnh thổ. Tạp chí Time của Mỹ từng có bài viết phê phán Trung Quốc gây căng thẳng tại Đông Bắc Á, đồng thời cho rằng, Bắc Kinh giống như một “thùng thuốc súng” có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi Trung Quốc coi Biển Đông là “ao nhà”.
Trước những hành động ngày càng leo thang của tàu Hải giám Trung Quốc tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và những động thái tăng cường thực lực của các lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc, đồng thời trao thêm quyền hạn cho các cơ cấu quản lý những lực lượng này, Tokyo đã quyết định chuyển 4 tàu hộ vệ tên lửa cũ của lực lượng hải quân thành tàu tuần tiễu. Nhật Bản đang huy động toàn bộ số tàu tuần duyên trong cả nước để đối phó với Trung Quốc.
Ngày 22/2, Nhật Bản lần đầu tiên xác nhận, kể từ đầu năm 2013 đã phát hiện Trung Quốc thả trộm hoa tiêu ngoài khu vực đường ranh giới trên biển Hoa Đông. Cảnh sát biển Nhật Bản đã tiến hành thu thập bằng chứng, đồng thời cho biết, các hoa tiêu này được gắn các thiết bị thu thập tin tức tình báo nhằm phát hiện sớm hoạt động của tàu Cảnh sát biển Nhật Bản. Quân đội Nhật - Mỹ luôn coi quân đội Trung Quốc là đối thủ chính - một khi Trung - Nhật giao chiến, Nhật - Mỹ sẽ coi tàu chiến cỡ lớn của Trung Quốc là mục tiêu tấn công đợt đầu, thậm chí bắn chìm tàu sân bay Liêu Ninh. Việc Mỹ quyết định triển khai máy bay cảnh báo sớm trên không (AWACS) ở vùng biển Hoa Đông, cũng như hợp tác với máy bay cảnh báo sớm của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản để cảnh giới đối với máy bay Trung Quốc.
Nguy cơ khai hỏa tại Biển Đông và biển Hoa Đông tuy đang âm ỷ, nhưng sẽ bùng phát bất ngờ khi Trung Quốc luôn khẳng định: “Quyền lợi quốc gia không thể nhượng bộ”. Do đó, việc kiềm chế tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông được các nước hữu quan đặc biệt quan tâm.
Những hệ lụy không thể bỏ qua
Những động thái đáng quan ngại và hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua khiến nhiều nước lo lắng. Bởi Bắc Kinh luôn tiền hậu bất nhất, đe dọa sẽ “ăn miếng trả miếng”, luôn “bày trò” để độc bá Biển Đông. Dư luận cho rằng, Biển Đông và Hoa Đông dậy sóng bởi tham vọng của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không thể “cả vú lấp miệng em”, cố tình bao biện hòng đánh lạc hướng dư luận trong khi đang tích cực khoe “cơ bắp”. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng xuất bản tại Hongkong từng cho rằng (17/3), tham vọng bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông không những không dừng lại, mà còn tìm cách kiểm soát phần còn lại của quần đảo Trường Sa khi sức mạnh Hải quân Trung Quốc phát triển đủ mạnh để thực hiện “đường lưỡi bò”.
Dư luận từng coi hành động Trung Quốc gây đứt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trên Biển Đông hôm 30/11/2012 tại vùng biển gần đảo Cồn Cỏ của Việt Nam là hết sức phản cảm. Trước đó (9/6/2011), tàu Viking 2 do PVN thuê đang tiến hành hoạt động thăm dò thì bị tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 6226, cùng hai tàu ngư chính yểm trợ mang số hiệu 311 và 303 đã lao vào cắt cáp. Sau đó, tàu Trung Quốc thường xuyên quấy rối tàu cá Việt Nam tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Nhiều người từng cảnh báo về khả năng mượn danh bảo vệ 23.000 tàu cá, Bắc Kinh có thể sớm điều động nhiều tàu vũ trang đến Biển Đông để củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Theo Đông Ngàn - Từ Sơn/VOV