Thổ Nhĩ Kỳ: Trước bóng đen “Mùa xuân Arab”

Cập nhật ngày: 15/06/2013 08:02:00

Từng được coi là đất nước có mô hình Hồi giáo chính trị thành công trên thế giới, các cuộc biểu tình và bạo loạn phản đối đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền kéo dài suốt 2 tuần qua tại Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến cả thế giới Arab choáng váng. Khắp Địa Trung Hải, các quốc gia từng nếm trải "Mùa xuân Arab" đang dõi theo từng diễn biến đang xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.


Người biểu tình vây kín quảng trường Taksim ở thành phố Istalbul.

Ít ai ngờ rằng, một số hành động có vẻ như vô hại của các nhà bảo vệ môi trường trước việc chính quyền có ý định phá bỏ công viên Gezi ở Istanbul để xây dựng trung tâm thương mại đã biến thành làn sóng bạo loạn ở khắp các thành phố trên toàn quốc. Theo ước tính, đến thời điểm hiện tại, 280 văn phòng, cửa hàng cùng hàng chục xe cảnh sát trên 67 thành phố, thị trấn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đập phá. Tổng thiệt hại lên đến 40 triệu USD. Ít nhất đã có 5 người đã chết và hơn 5.000 người bị thương.

Trước tình hình căng thẳng có dấu hiệu ngày càng leo thang, tối 13-6, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tiến hành cuộc gặp khẩn cấp với đại diện các nhóm biểu tình có tên "Taksim Solidarity" (tạm dịch: Vì sự đoàn kết của Taksim) sau khi lực lượng này bác bỏ lời "cảnh báo cuối cùng" của đương kim Thủ tướng rằng người biểu tình phải giải tán khỏi công viên Gezi nằm dọc theo quảng trường Taksim ở Istanbul. Đây được xem là nỗ lực cuối cùng của chính phủ nhằm chấm dứt cuộc biểu tình đã bước sang ngày thứ 15. Phát biểu sáng 14-6, sau cuộc gặp kéo dài vài giờ, người phát ngôn của AKP Huseyin Celik khẳng định, chính phủ sẽ chưa động tới công viên Gezi cho tới khi có thể tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về quy hoạch công viên này. Ông H.Celik cũng nhắc lại lập trường của Thủ tướng R.Erdogan rằng, những người biểu tình phải rời khỏi khu vực quảng trường Taksim.

Hiện chưa rõ hành động tiếp theo của lực lượng biểu tình sẽ là gì, bởi trong tuyên bố đưa ra trước cuộc gặp, nhóm "Taksim Solidarity" vẫn bác bỏ đề xuất của chính phủ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch gây tranh cãi trên; đồng thời khẳng định sẽ bám trụ tại công viên Gezi với tất cả những yêu cầu đã đưa ra. Rõ ràng, những diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ suốt 2 tuần qua đang đặt ra thách thức lớn nhất với thập kỷ cầm quyền của AKP.

Tốc độ lan rộng của cuộc biểu tình đã khiến ngay cả Tunisia và Ai Cập - nơi khởi đầu của làn sóng "Mùa xuân Arab" - cũng phải ngỡ ngàng. Ngay sau khi kết thúc các cuộc nổi dậy chưa từng có tiền lệ hồi năm 2011, dẫn đến sự sụp đổ của các nhà lãnh đạo được coi là độc tài lâu năm và đưa những người Hồi giáo lên tuyến đầu của đời sống chính trị, Tunis và Cairo đã không ngừng ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ là tấm gương sáng về dân chủ Hồi giáo ôn hòa. Đảng Hồi giáo Ennadha, giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hậu cách mạng ở Tunisia đã công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ với "mô hình Thổ Nhĩ Kỳ". Còn Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã tán dương đảng AKP là "nguồn khơi gợi cảm hứng". Tuy nhiên, cũng tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ, cả hai quốc gia này đang phải chứng kiến tình trạng phân cực ngày càng tăng giữa những người Hồi giáo và những người theo đường lối thế tục. Trong đó, những lãnh đạo Hồi giáo nắm quyền bị cáo buộc là không thực hiện đúng những cam kết bảo đảm quyền dân chủ. Tại Ai Cập, nhiều người đang so sánh các cuộc biểu tình phản đối AKP ở Thổ Nhĩ Kỳ với các cuộc biểu tình quy mô lớn dự kiến vào cuối tháng này nhằm phản đối Tổng thống M.Morsi nhân kỷ niệm một năm ngày ông nhậm chức.

Trên thực tế, những diễn biến bất ổn hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ không đơn thuần là phản ứng của người dân trước một dự án xây dựng gây tranh cãi của chính phủ. Nhìn lại diễn biến ở các nước từng bị "Mùa xuân Arab" quét qua thì những vụ việc tưởng chừng như rất nhỏ lại là cái cớ, là giọt nước tràn ly cho những bất bình tích tụ trong lòng người dân về cách thức điều hành đất nước của chính phủ cầm quyền.

Theo các nhà phân tích, vào thời điểm hiện tại, Thủ tướng R.Erdogan có 3 lựa chọn. Thứ nhất, từ chức và tiến hành bầu cử trước thời hạn. Thứ hai, sử dụng những biện pháp mạnh tay hơn nữa để đàn áp các cuộc biểu tình. Thứ ba, chấp nhận hủy bỏ dự án xây dựng trung tâm thương mại tại công viên Gazi như đề nghị của nhóm "Taksim Solidarity". Tóm lại, nếu chính quyền Ankara không nhanh chóng có được các biện pháp hữu hiệu xoa dịu tình hình thì kịch bản "Mùa xuân Arab" từng làm chao đảo Trung Đông và Bắc Phi thời gian qua nhiều khả năng sẽ tái diễn tại "điểm nối" Á - Âu này.

Quỳnh Chi/HNMO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn