Thông tấn Trung Quốc bực tức với Mỹ vì Biển Đông
Cập nhật ngày: 15/07/2012 15:42:07
Hãng tin của nhà nước Trung Quốc hôm qua viết rằng ngoại trưởng Mỹ "can thiệp" vào vấn đề Biển Đông, sau khi bà Hillary Clinton kêu gọi các bên giải quyết vấn để tranh chấp trong hòa bình và không hăm dọa hay dùng vũ lực.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: AFP
"Dù tỏ ra thận trọng với việc công khai làm mếch lòng Trung Quốc, Clinton đã can thiệp sâu hơn vào vấn đề Biển Đông bằng cách liên tiếp nhấn mạnh những lợi ích của Mỹ tại vùng biển này", bài xã luận của Xinhua có đoạn.
Phản ứng nói trên từ hãng tin chính thức của Trung Quốc được đưa ra sau khi bà Clinton kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông một cách "không ép buộc, không có sự hăm dọa, không có những đe dọa và không sử dụng vũ lực". Phát biểu này của ngoại trưởng Mỹ được đưa ra tại Diễn đàn Khu vực ASEAN, một diễn đàn an ninh khu vực được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia tuần qua.
Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong khi đó Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp với từng bên liên quan.
Năm 2010, Trung Quốc cũng từng tỏ thái độ không bằng lòng khi bà Clinton phát biểu đề cao tự do thương mại và an toàn hàng hải trên biển, và nhấn mạnh rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo hai điều nói trên.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng tài nguyên dồi dào và án ngữ tuyến hàng hải chiến lược đối với thương mại toàn cầu. Tuy nhiên tuyên bố này - thể hiện ở đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là lưỡi bò - bị hầu hết các nước liên quan và nhiều học giả quốc tế phản đối bởi nó không hề có cơ sở pháp lý.
Các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này.
Lời bình luận của Xinha được đưa ra ít ngày sau khi các nước ASEAN lần đầu tiên không thể ra được tuyên bố chung tại hội nghị bộ trưởng ở Campuchia. Nguyên nhân của sự việc chưa từng có tiền lệ trong 45 năm hoạt động của ASEAN được cho là vì cách tiếp cận khác nhau của các nước thành viên Hiệp hội đối với vấn đề Biển Đông.
Tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp. Từ đầu tháng 4, Trung Quốc và Philippines có tranh chấp chủ quyền tại bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham, một bãi đá không có người sinh sống và cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía Tây. Tháng trước, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) chào thầu tại 9 lô dầu khí nằm trọn vẹn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ hành động phi pháp này.
VnE