Phần chìm của tảng băng “an ninh quốc gia”

Tình báo điện tử xứ sương mù

Cập nhật ngày: 02/07/2013 08:02:56

Thu thập thông tin từ internet, điện thoại là chiến lược được các cơ quan tình báo Anh ưu tiên đầu tư từ nhiều năm qua.


Trụ sở cơ quan tình báo GCHQ của Anh - Ảnh: Reuters

Những tiết lộ chấn động từ “kẻ thù thông tin của nước Mỹ” Edward Snowden cho thấy mật vụ Anh đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình theo dõi bí mật mang tên PRISM của các cơ quan an ninh Mỹ. Theo tờ Le Monde, sự hợp tác giữa tình báo 2 nước đã được thắt chặt ngay sau Thế chiến 2, thông qua thỏa thuận bí mật Ukusa (United Kingdom - United States Communications Intelligence Agreement). Nhân tố chính của Ukusa là Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cơ quan Chỉ huy liên lạc chính phủ Anh (GCHQ). Ngoài ra, thỏa thuận này còn có sự hỗ trợ của Canada, Úc và New Zealand.

Đáng chú ý, theo Le Monde, GCHQ được thành lập bí mật vào năm 1946. Cho đến cuối thập niên 1970, quốc hội và truyền thông Anh hoàn toàn không biết gì về cơ quan này. Tiền thân của GCHQ là tổ chức Government Code and Cypher School được thành lập trong Thế chiến 2, chuyên giải mã hệ thống thông tin của phe phát xít. Cơ quan này hiện nhận được phần lớn ngân sách của Anh dành cho tình báo.

Theo dõi nhầm hơn bỏ sót

Theo tờ The Guardian, hồi giữa tháng 4, các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như Facebook, Google, Microsoft, Twitter và Yahoo đã có thư chung gửi Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May tuyên bố không muốn hợp tác với dự luật theo dõi thông tin điện tử. Dự luật nhằm tăng cường quyền hạn của các cơ quan tình báo về truy cập dữ liệu liên quan đến người dùng internet (thư điện tử, mạng xã hội…), với tổng chi phí lên đến hơn 2 tỉ euro. Vụ việc khiến dư luận Anh phản ứng dữ dội và cáo buộc chính phủ muốn cho mình “quyền nhìn trộm” vào đời tư công dân. Trước đó, hồi tháng 7.2006, nghị sĩ Norman Baker từng nhận định chính quyền London “thu thập thông tin của những cá nhân không gây hại đến an ninh quốc gia”.

Chương trình PRISM của Mỹ nhận được hỗ trợ đặc biệt từ hệ thống theo dõi Tempora của Anh. Theo Le Monde, London đã ra điều kiện để cấp phép hoạt động với một số công ty viễn thông - thông tin để lắp đặt hệ thống cáp quang trong hải phận nước này là phải có 2 đường kết nối sau khi hoàn tất. Một đường nối với mạng lưới internet, điện thoại thông thường. Đường còn lại nối “bí mật” với các trung tâm tình báo của Anh, trong đó có trụ sở của GCHQ.

Với hệ thống Tempora, nội dung dữ liệu thu thập được sẽ được lưu lại trong 3 ngày để cơ quan tình báo có thể xử lý và lọc lựa thông tin cần thiết để chuyển sang trung tâm lưu trữ. Còn những thông tin “thô” như gửi từ đâu đến đâu, ai gửi cho ai, có thể được giữ đến 30 ngày và sẽ lưu lại ở một hệ thống khác nếu cần thiết.

Theo tài liệu của Snowden, hệ thống do thám điện tử Anh trở thành một cơ sở thông tin không thể thiếu đối với tình báo Mỹ. Thời điểm còn làm việc ở Hawaii, anh này vẫn có thể tham khảo lượng tài liệu điện tử khổng lồ của GCHQ. Trong đó có báo cáo về chiến dịch theo dõi các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị G20 năm 2009 ở London. Theo đó, giới tình báo Anh đã dùng những “phương tiện kỹ thuật mang tính cách mạng” để kiểm soát khách mời. Chỉ cần đến các quán cà phê internet trong khu vực diễn ra hội nghị là có thể “dính bẫy” ngay: mọi thư điện tử đều sẽ bị kiểm tra và những ai dùng điện thoại BlackBerry cũng bị nghe lén. Đặc biệt, GCHQ tập trung vào một số nhân vật như Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ, đại biểu của Nam Phi hoặc phối hợp với NSA để thu thập thông tin về Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev.

Nguyễn Ngọc Lan Chi/Thanh Niên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn