Tranh cãi xung quanh việc sử dụng vũ khí học tại Syria
Cập nhật ngày: 27/04/2013 07:11:27
Sau Mỹ, ngày 26/4, Anh tuyên bố có thông tin “hạn chế nhưng thuyết phục” cho thấy chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Thủ tướng Anh Cameron cho biết, việc sử dụng vũ khí hóa học là phạm tội ác chiến tranh. Theo ông Cameron, đây là "giới hạn đỏ" đối với cộng đồng quốc tế, song cũng khuyến cáo nên phản ứng bằng biện pháp chính trị hơn là quân sự.
Những người biểu tình chống chính phủ Syria
tụ tập ở Kafranbel, gần Idlib (Ảnh: Reuters)
“Những gì ông Assad đang làm với người dân của mình thật là khủng khiếp. Điều này có thể sẽ ngày càng xấu hơn. Có nhiều dấu hiệu ngày càng tăng cho thấy ông Assad sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng chúng ta đưa quân đến Syria như ở chiến trường Afghanistan và Iraq”, ông Cameron nói.
Phe đối lập Syria cùng ngày cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các nhà điều tra quốc tế để tìm thêm bằng chứng chứng tỏ rằng chính quyền của Tổng thống al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân. Khaled Saleh - Người phát ngôn Liên minh dân tộc Syria của phe đối lập nói: “Chúng tôi muốn có một sự chắc chắn tuyệt đối từ cộng đồng quốc tế và chúng ta hãy xem những bằng chứng được phơi bày. Chúng tôi thuộc phe đối lập tại Syria sẽ mời các nhà điều tra và chúng tôi sẽ hợp tác với các nhà điều tra để chắn chắn rằng sẽ tìm thấy các bằng chứng cho thấy vũ khí hóa học đã được chính quyền của ông Assad đã sử dụng để chống lại dân thường vô tội”.
Người phát ngôn Ủy ban Liên minh châu Âu Michael Mann thì cho rằng: Việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ông Michael Mann cũng khẳng định rằng Liên minh châu Âu cần những bằng chứng xác thực là liệu có đúng lực lượng của chính phủ Syria đang sử dụng loại vũ khí này hay không trước khi cân nhắc biện pháp hành động.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Bruselles (Bỉ), ông Mann cho biết: “Quan điểm của chúng tôi rất đơn giản: việc sử dụng vũ khí hóa học trong mọi trường hợp đều là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, điều mà tôi muốn nói đến ở đây là chúng tôi vẫn đang cùng các đối tác khác giám sát vấn đề này để xem liệu đây có phải là sự thật hay không. Vì hiện nay, việc Syria có sử dụng vũ khí hay không vẫn chưa rõ ràng. Chúng tôi hy vọng sẽ có một phái đoàn điều tra của Liên Hợp Quốc tại Syria để tìm hiểu xem thực chất là có vấn đề gì đang xảy ra tại Syria hiện nay”.
Trong một tuyên bố đáp trả, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi cho biết, Chính quyền Damascus đã nhất trí cho các chuyên gia của Nga tiến hành điều tra và xác minh việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Theo ông al-Zoubi, Chính phủ Syria yêu cầu xác minh tại chỗ thông tin về việc các nhóm khủng bố, trong đó có al-Qaeda, đã sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công tại khu vực Khan al-Asal, gần thành phố Aleppo, khiến 14 người thiệt mạng và 50 người bị thương. Ông cho biết vũ khí hóa học nhiều khả năng được đưa vào Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định quân đội Syria không sử dụng vũ khí hóa học hay bất cứ loại vũ khí có tính chất hủy diệt hàng loạt như cáo buộc của Mỹ.
Trước đó, hôm 25/4 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, Washington có bằng chứng vũ khí hóa học, cụ thể là chất sarin, đã được sử dụng ở quy mô nhỏ tại Syria. Tuy nhiên, theo ông Hagel, vẫn còn nhiều câu hỏi về nguồn gốc của vũ khí này cũng như tác động của nó đối với cuộc nội chiến ở Syria.
Tuyên bố này của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã đặt Tổng thống Mỹ Obama vào tình thế khó xử bởi nhà lãnh đạo Mỹ từng cảnh báo rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là “ranh giới đỏ” mà ông Assad không được vượt qua. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định rằng bất kỳ một bước đi tiếp theo nào sẽ được chính quyền Obama cân nhắc bởi những bài học của cuộc chiến Iraq hơn 10 năm trước vẫn còn nóng hổi. Bên cạnh đó, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Mỹ không muốn nước mình tham chiến tại thế giới Hồi giáo sau những cuộc chiến kéo dài ở Iraq và Afghanistan./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV