Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn: Thử thách bất ngờ
Cập nhật ngày: 22/05/2013 07:42:05
Bán đảo Triều Tiên lại trở nên nóng bỏng khi chỉ trong ba ngày liên tiếp vừa qua Bình Nhưỡng tiến hành tới 6 vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn về phía biển Nhật Bản. Dù chưa rõ mục đích cũng như chính xác các loại tên lửa vừa được phóng thử, song động thái của Bình Nhưỡng đã kéo mối quan tâm của dư luận về khu vực Đông Bắc Á sau một thời gian tương đối lắng dịu.
Tên lửa tầm ngắn KN-02 của Triều Tiên.
Diễn ra chưa đầy một tuần sau khi các bên liên quan trong tiến trình đàm phán sáu bên gồm Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có những bước đi tích cực nhằm "hạ nhiệt" căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng đã gây bất ngờ cho dư luận. Đã có những câu hỏi được đặt ra như tại sao Triều Tiên lại có quyết định tương đối khó hiểu này hay các vụ phóng tên lửa đơn thuần chỉ là việc thử nghiệm sự phát triển vũ khí thông thường? Đáp án vẫn là một ẩn số khi "đương sự" chưa có bất kỳ một tuyên bố gì - một diễn biến tương đối khác thường so với thông lệ.
Một số chuyên gia phân tích đã cố gắng liên hệ động thái của Bình Nhưỡng với cuộc tập trận chung trên biển rầm rộ của Mỹ và Hàn Quốc, có sự tham gia của tàu sân bay hạt nhân Nimitz, vừa kết thúc, dù chẳng có gì rõ ràng. Vài ý kiến khác lại đồn đoán về khả năng có thể đây là cuộc "tập rượt" cho việc phóng thử Musudan, loại tên lửa có tầm bắn khoảng 4.800km - mối đe dọa tiềm ẩn đối với đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Dẫu rằng những bệ phóng cho tên lửa này đã được di chuyển khỏi khu vực bờ biển phía đông, nhưng trong bối cảnh thường xuyên có những diễn biến gây sửng sốt như hiện nay, tất cả các quốc gia liên quan đều chưa loại bỏ bất kỳ nguy cơ nào. Trong khi đó, thông tin về 6 quả tên lửa liên tiếp rơi xuống vùng biển phía đông nước này là số 0. Hàn Quốc đến nay vẫn chưa thể khẳng định được đây có phải là loại tên lửa KN-02 cải biến từ tên lửa SS-21 của Liên Xô cũ, một loại "pháo phản lực" đa nòng 300 ly mà Triều Tiên đang cố gắng chế tạo và có khả năng mang hàng chục kilôgam thuốc nổ hay một loại vũ khí mới nào đó.
Không đưa ra những tuyên bố cứng rắn hay gây sức ép mạnh mẽ với Bình Nhưỡng như những vụ phóng thử trước đây, Mỹ tỏ ra khá mềm dẻo khi nhận định tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Trong một phát biểu mới nhất, người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little cho rằng Mỹ có thể an toàn vì căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay tương đối thấp nếu so với cách đây vài tháng khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa. Tuy nhiên Seoul có vẻ cảnh giác hơn. Một mặt kêu gọi Bình Nhưỡng phải hành động có trách nhiệm để sớm trở lại bàn đàm phán, mặt khác Hàn Quốc cũng thực hiện những sự chuẩn bị mạnh mẽ hơn để tăng khả năng ứng phó với mọi nguy cơ. Đáng kể nhất là quyết định triển khai hàng chục tên lửa Spike trên các đảo Baengnyeong và Yeonpyeong, nằm cách biên giới Triều Tiên chưa đầy 11km. Loại tên lửa có dẫn đường từ vệ tinh nặng 70kg này có tầm bắn 20km, với khả năng phá hủy cơ sở ngầm và tấn công mục tiêu di động.
Khẳng định Bình Nhưỡng không vi phạm bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào vì lệnh cấm của nghị quyết Liên hợp quốc chỉ áp dụng với tên lửa đạn đạo tầm xa, những sức ép ngoại giao từ bên ngoài đã không đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng. Nguy cơ về một vụ phóng tên lửa tiếp theo dường như đã xuống thấp khi lệnh cấm tàu thuyền đi vào khu vực biển Nhật Bản đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, với những gì vừa diễn ra, cánh cửa hy vọng về việc nối lại tiến trình đàm phán sáu bên vừa được hé mở sau nhiều nỗ lực của các bên liên quan lại đứng trước những thử thách nhất định.
Theo Đình Hiệp/Hànộimới