Vì sao Nhật muốn “xử êm” vụ biển đảo với Trung Quốc

Cập nhật ngày: 18/08/2012 08:36:26

Mặc dù đang có "lời qua, tiếng lại" trong vụ bắt giữ 14 người Trung Quốc xâm nhập quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, song thực tình, cả Tokyo và Bắc Kinh đều muốn vụ việc nhanh chóng "chìm xuồng". Lý do gì khiến cả hai bên muốn “xử êm” vụ này?


Cảnh sát biển Nhật Bản bắt giữ các nhà hoạt động Trung Quốc
cố tình đặt chân lên đảo tranh chấp hôm 15/8/2012.

Theo Thời báo Nhật Bản số ra ngày 17/8, trong thời gian qua, cả Tokyo và Bắc Kinh đều không ngừng đưa ra những luận điệu cứng rắn nhằm tái khẳng định chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Tuy nhiên trong thâm tâm, cả hai bên đều không muốn thổi bùng ngọn lửa tranh cãi ngoại giao, giống như những gì đã diễn ra hồi năm 2010 khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc cũng tại chuỗi đảo không có người ở này.

“Theo tôi, Trung Quốc không muốn làm to chuyện, mà chỉ tập trung vào việc cố gắng duy trì một môi trường ổn định ở Hoa Đông. Tất nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với vỉa đá Senkaku/Điếu Ngư, nhưng sẽ tránh dùng những lời lẽ đao to búa lớn", nhà nghiên cứu Masayuki Masuda của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản phân tích.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, sở dĩ Bắc Kinh hành động như vậy là vì họ không thể giả đò tảng lờ như không có gì xảy ra.

"Ít ra Bắc Kinh cũng phải thể hiện đôi chút chính kiến, đặc biệt trong bối cảnh chính trị nội bộ hai nước chuẩn bị diễn ra các sự kiện lớn”, ông Masuda nói.

Hiện Bắc Kinh đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Trong khi đó, Tokyo cũng đang lo lắng cho kỳ tổng tuyển cử sớm, nơi Thủ tướng Yoshihiko Noda đã quyết định "đặt cược toàn bộ sinh mệnh chính trị" của mình.

"Chính phủ hai nước đều đang đối mặt với những vấn đề chính trị nội bộ, buộc họ phải dành ít thời giờ cho những tranh cãi ngoại giao", nhà nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản cho biết thêm.

Cũng theo ông Masuda, đối với Trung Quốc, sự ổn định nội bộ là tối cần thiết trong bối cảnh Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đang sẵn sàng chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm Tập Cận Bình vào tháng 10. Để đảm bảo cuộc chuyển giao diễn ra yên ả, ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải kiểm soát động tĩnh trong nước một cách cẩn trọng nhằm kiềm chế tình cảm quá khích của số đông quần chúng, không để tình cảm đó biến thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Trong khi đó, đối với chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, mặc dù khẳng định sẽ “xử nghiêm” vụ 14 nhà hoạt động Trung Quốc xâm nhập đảo tranh chấp bất hợp pháp, song hơn ai hết, ông cũng tỏ ra muốn kết thúc sớm vụ này.

"Chính phủ Nhật Bản thà quyết định trục xuất 14 nhà hoạt động với cáo buộc vi phạm luật nhập cư Nhật Bản, còn hơn phải giam giữ họ nhiều tuần và mất thì giờ luận tội", ông Masuda nhận định, sau khi khẳng định thêm rằng quyết định này về mặt ngoại giao là "hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với Trung Quốc".

“Theo quan điểm của Trung Quốc, việc trục xuất có thể là hình phạt thấp nhất mà Bắc Kinh đã dự tính sẵn trong đầu”, ông Masuda nói.

Vụ việc cảnh sát biển Nhật Bản bắt giữ 14 người Trung Quốc, trong đó có 2 nhà báo và 12 nhà hoạt động, hôm 15/8 vừa qua khiến nhiều người liên tưởng tới vụ lực lượng này bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc hồi giữa năm 2010.

Trong vụ việc lần đó, thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đã bị bắt giam nhiều tuần trong khi chờ các quan chức tòa án Nhật Bản tìm cách luận tội. Hệ quả là hành động này đã dẫn tới một cuộc xung đột ngoại giao toàn diện giữa hai nước, khiến Bắc Kinh ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản, vốn là mặt hàng thiết yếu cho các ngành công nghệ cao.

Rút kinh nghiệm từ bài học này, ngay từ trước khi ra quyết định bắt giữ các nhà hoạt động Trung Quốc, giới chức Nhật Bản đã định hướng sẵn là sẽ có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn và không gây chọc giận Bắc Kinh.

“Chính phủ đã ra lệnh không mạnh tay với các đối tượng bị bắt giữ”, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) xác nhận.

Rất nhiên, việc Nhật Bản “nương tay” với các nhà hoạt động Trung Quốc còn vì những lý do khác.

Nhớ lại, vụ xâm nhập này xảy ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tới các đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima ngoài khơi tỉnh Shimane và chỉ hơn một tháng sau chuyến thăm thứ hai của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến một trong những hòn đảo ngoài khơi Hokkaido hồi tháng Bảy vừa qua.

Khi thực hiện các chuyến thăm này, cũng giống như Trung Quốc, cả Nga và Hàn Quốc đều muốn thể hiện quan điểm cứng rắn trong các vấn đề lãnh thổ nhằm đánh lạc sự chú ý của người dân khỏi các bất ổn chính trị mà họ đang phải đối mặt ở trong nước. Ở nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin vừa kỷ niệm 100 ngày đầu tiên trở lại chiếc ghế nóng trong điện Kremli nhiệm kỳ thứ ba với nhiều cáo buộc gian lận bầu cử. Ở Hàn Quốc, sự ủng hộ của người dân dành cho Tổng thống Lee Myung-bak đang có chiều hướng sụt giảm mạnh sau khi anh ruột và các phụ tá của ông phải đối mặt với các tội danh tham nhũng, trong khi chỉ còn ít tháng nữa sẽ đến cuộc bầu cử Tổng thống quan trọng.

Còn tại Trung Quốc, nước này sắp được chứng kiến một sự “đổi máu” trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao nhất lần đầu tiên trong 10 năm qua.

“Chuyển lửa ra bên ngoài” thường là ưu tiên chọn lựa hàng đầu cho các nhà chính trị mỗi khi họ phải đương đầu với những vấn đề khó xử trong nước.

“Các nhà lãnh đạo muốn dồn sự chú ý của dư luận trong nước vào các vấn đề bên ngoài, mà ở đây là vấn đề chủ quyền. Đó là lý do tại sao họ tăng dần căng thẳng và giảm dần các mối quan hệ trong thời điểm này”, Giám đốc điều hành Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Brad Glosserman nói.

Trong bối cảnh bị o ép tứ phía giữa các mối quan hệ căng thẳng gia tăng với cả ba láng giềng cùng một lúc, chắc chắn chính quyền của Thủ tướng Noda không muốn có thêm bất kỳ một cuộc khủng hoảng mới nào trong bức tranh ngoại giao của mình.

“Sẽ tốt hơn nếu kết thúc việc này sớm nhất có thể. Khi nào hai bên còn có thể nói chuyện với nhau, thì mọi thứ đều có thể giải quyết được. Cái chính là không làm cho tình hình thêm rối ren hoặc tiếp tục leo thang”, Phó Giáo sư Học viện Chính sách công quốc gia (NGIPP), ông Narushige Michishita, nhận định.

Theo Dân trí

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn