WHO cảnh báo nguy cơ lây lan "rất cao" của biến thể Omicron
Cập nhật ngày: 30/11/2021 04:10:37
Ngày 29/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan trên toàn thế giới, gây nguy cơ lây nhiễm toàn cầu "rất cao" và có thể gây ra "hậu quả nghiêm trọng" ở một số khu vực.
WHO cảnh báo các nước cần cảnh giác trước nguy cơ "rất cao" của biến thể Omicron. (Ảnh minh họa: Reuters)
Trong hướng dẫn kỹ thuật mới nhất của mình, WHO nhấn mạnh Omicron có số lượng đột biến nhiều chưa từng thấy, trong đó có một số đột biến có thể gây tác động tới xu hướng của đại dịch.
Do đó, WHO đánh giá nguy cơ tổng thể liên quan đến biến thể mới Omicron trên toàn cầu là “rất cao”.
Cho đến nay, vẫn chưa có trường hợp tử vong nào liên quan đến Omicron được báo cáo, song WHO cho rằng cần có thêm nghiên cứu để đánh giá về khả năng Omicron tránh được khả năng miễn dịch của cơ thể có được nhờ tiêm vaccine và sau khi khỏi bệnh.
WHO cũng cho biết dự kiến sẽ có thêm dữ liệu được công bố trong những tuần tới.
Trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 mới được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng, cơ quan y tế của Liên hợp quốc kêu gọi 194 quốc gia thành viên đẩy nhanh việc tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên cao để bảo đảm triển khai các kế hoạch ứng phó, nhằm duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu.
"Các ca bệnh ngày càng tăng bất kể sự thay đổi về mức độ nghiêm trọng có thể gây ra tình trạng quá tải đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Tác động đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương sẽ rất đáng kể, đặc biệt là ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp", theo WHO.
Tổ chức này cũng lưu ý rằng thế giới có thể sẽ ghi nhận thêm các ca mắc Covid-19 ở những người đã tiêm phòng nhưng với một tỷ lệ thấp và có thể dự báo được.
Biến thể Omicron lần đầu được báo cáo lên WHO vào ngày 24/11 từ Nam Phi, nơi đang chứng kiến các ca nhiễm mới tăng mạnh.
Kể từ đó, biến thể này đã lan rộng khắp thế giới, ngay cả khi nhiều quốc gia đã áp dụng các hạn chế đi lại đối với khu vực nam châu Phi, bao gồm cả Nam Phi.
Hành khách chờ chuyến bay tại sân bay quốc tế O.R. Tambo ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 28/11/2021. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, WHO trong hướng dẫn kỹ thuật cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia nên áp dụng "cách tiếp cận dựa trên rủi ro để điều chỉnh các biện pháp hạn chế đi lại quốc tế một cách kịp thời". Tổ chức này cũng cho biết sẽ đưa ra thêm các khuyến nghị về vấn đề này.
Trước đó, trong tuyên bố đưa ra ngày 28/11, WHO cho biết dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ số ca nhập viện ở Nam Phi gia tăng, nhưng điều này có thể là do số người nhiễm bệnh tăng, chứ không phải là do nhiễm riêng biến thể Omicron.
Tuy nhiên, WHO cũng nhắc lại rằng, bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến thể này có thể cao hơn. Cơ quan này cũng lưu ý hiện tại chưa có thông tin cho thấy rằng các triệu chứng liên quan biến thể Omicron khác với những triệu chứng do nhiễm các biến thể khác.
Các trường hợp nhiễm Omicron được ghi nhận ban đầu nằm trong số các sinh viên đại học, những người trẻ có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn. Nhưng cần vài ngày đến vài tuần mới biết được mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron.
Theo WHO, các xét nghiệm PCR vẫn có thể tiếp tục phát hiện được biến thể Omicron. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định có ảnh hưởng nào đối với phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hay không.
Theo TRUNG HƯNG (NDĐT)
(Theo Reuters)