WHO: Châu Phi hướng đến sống chung với Covid-19

Cập nhật ngày: 11/02/2022 05:49:26

Theo đánh giá của người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Phi, năng lực ứng phó với đại dịch Covid-19 của châu lục này đã được cải thiện theo thời gian, nhưng châu Phi vẫn cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để kiểm soát dịch bệnh, hướng đến sống chung với virus.


Nhân viên y tế hướng dẫn cách khởi động máy thở tại Bệnh viện Karen, Nairobi, Kenya, ngày 6/4/2020. (Ảnh: REUTERS)

Phát biểu tại họp báo trực tuyến thường kỳ ngày 10/2, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti nhấn mạnh, Lục địa Đen đang trên đà kiểm soát đại dịch, nếu các kết quả hiện tại được giữ vững cùng tinh thần cảnh giác và các hành động tích cực, đặc biệt là về tiêm chủng.

Bà Moeti cho biết, năng lực ứng phó đã hiệu quả hơn đối với mỗi đợt lây nhiễm mới. Theo đó, làn sóng lây nhiễm đầu tiên tại châu Phi đã kéo dài 29 tuần, trong khi đợt dịch thứ tư được kiểm soát chỉ sau 6 tuần.

Người đứng đầu WHO tại châu Phi cũng khẳng định, lục địa này đang ra khỏi thời kỳ đại dịch bùng phát mạnh và hướng tới giai đoạn kiểm soát lây nhiễm ổn định trong thời gian dài.

"Đặc biệt là với tỷ lệ tiêm chủng dự kiến sẽ tăng lên, chúng tôi cho rằng hiện đại dịch ở châu Phi đang chuyển sang giai đoạn trở thành 1 bệnh đặc hữu và chúng tôi đang hướng đến sống chung với virus", Tiến sĩ Moeti nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Moeti cũng cho biết, 85% người dân châu Phi vẫn chưa được tiêm liều vaccine đầu tiên, và tốc độ tiêm chủng cần phải được đẩy nhanh đáng kể. Bà nhấn mạnh: “Nguồn cung vaccine đã ổn định, do đó cần tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho người dân”.


Xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Referral Narok, ở Narok, Kenya, ngày 1/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Ngoài ra, WHO cũng ước tính, số ca nhiễm Covid-19 ở châu Phi có thể cao hơn gấp 7 lần so với dữ liệu chính thức, trong khi số ca tử vong có thể cao hơn từ 2 đến 3 lần.

Tiến sĩ Moeti cho rằng, các yếu kém về hệ thống giám sát, thí dụ như khó tiếp cận nguồn cung các kit xét nghiệm, đã dẫn đến những hạn chế trong thống kê các ca bệnh.

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan y tế công cộng của châu Phi cùng ngày cho biết, biến thể phụ BA.2 của biến chủng Omicron, được biết đến như 1 biến thể phụ "tàng hình", hiện đang chiếm ưu thế ở Nam Phi và đã được phát hiện ở nhiều quốc gia châu Phi khác.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, ông John Nkengasong thông tin, CDC châu Phi đã có dữ liệu từ Nam Phi cho thấy dòng BA.2 hiện đã trở thành biến thể chủ đạo ở nước này.

Ông Nkengasong cho biết thêm, biến thể "Omicron tàng hình" BA.2 đã được xác định ở Mozambique, Senegal, Botswana, Mauritius, Kenya và Malawi.

Liên quan đến thuốc điều trị Covid-19, Giám đốc CDC châu Phi thông tin, cơ quan này vẫn đang thảo luận với các công ty dược phẩm Merck và Pfizer về nguồn cung thuốc kháng virus của 2 hãng này để điều trị Covid-19, và quá trình có thể sẽ mất nhiều thời gian.

Theo TRUNG HƯNG (NDĐT)

Theo Reuters)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn