“Thủy đậu” ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?

Cập nhật ngày: 16/07/2023 10:39:37

Thủy đậu là một căn bệnh phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em dễ mắc bệnh nhất. Khi mắc thủy đậu, trẻ sẽ rất ngứa và khó chịu, tổn thương nhiều ở da, đặc biệt là vùng miệng làm trẻ khó ăn, khiến cha mẹ rất lo lắng.


Cha mẹ cần chủ động cho trẻ khám và tiêm ngừa thủy đậu sớm

Theo thống kê hàng năm của ngành y tế, thủy đậu có xu hướng gia tăng vào những tháng đầu xuân, đầu hè. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, thời tiết giao mùa là yếu tố khiến bệnh thủy đậu bùng phát mạnh, số ca mắc bệnh tăng cao.

Thủy đậu do virus Varicella - Zoster gây ra, virus chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với virus qua nước bọt, dịch tiết mũi hoặc dịch từ các nốt phỏng vỡ ra nên rất dễ lây truyền từ người này sang người khác.

Thực tế ghi nhận, bệnh thủy đậu dễ lây lan qua sự đụng chạm đến ban ngứa từ người mắc bệnh thủy đậu hoặc qua những giọt bắn nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm (ví dụ: khi một người bị nhiễm thủy đậu hắt hơi hoặc ho) cũng có thể phát tán khiến người khác lây nhiễm. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây lan qua sự tiếp xúc đến quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh. Chính vì vậy, bệnh hay gặp ở trẻ dưới 10 tuổi và tạo thành dịch ở trường học, nhà trẻ.

Có khoảng 90% người chưa từng mắc thủy đậu sẽ dễ mắc bệnh nếu tiếp xúc với người thân bị nhiễm bệnh thủy đậu. Sau khi nhiễm virus ủ bệnh khoảng 10 - 21 ngày, trẻ nhiễm virus ban đầu có các biểu hiện như: trẻ bị sốt, ăn uống kém hơn; có biểu hiện đau đầu, đau cơ; người mệt mỏi, khó chịu; nổi ban đỏ, mụn nước trên da.

Bệnh thủy đậu ít có biến chứng, nhưng nếu mụn nước mọc rất dày ở toàn bộ cơ thể và các tổn thương có thể ở cổ họng, mắt, niêm mạc của niệu đạo, âm đạo hoặc hậu môn... nếu chăm sóc không đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan... Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, viêm phổi cũng là một biến chứng đáng lưu ý, mặc dù ít khi xảy ra nhưng nếu trẻ bị biến chứng viêm phổi do thủy đậu thì rất nặng và rất khó điều trị. Viêm não sau thủy đậu ở trẻ có thể mang di chứng thần kinh lâu dài như: bị điếc, chậm phát triển, động kinh...

Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh thủy, ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở điều trị gần nhất. Tùy theo từng trường hợp trẻ mắc, các bác sĩ sẽ có hướng điều trị cụ thể. Không nên tự ý sử dụng thuốc mà chưa có sự hướng dẫn từ cán bộ chuyên môn y tế.

Để trẻ phòng ngừa bệnh thủy đậu, cha mẹ nên cho trẻ tiêm chủng vaccine thủy đậu và các mũi vaccine khác để có sự đề kháng tốt nhất. Đối với vaccine thủy đậu được khuyến cáo tiêm như sau:

- Trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 - 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh.

- Trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều, cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.

Ngoài ra, để tránh lây lan, cần đảm bảo cho trẻ và người chăm sóc trẻ vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng, hướng dẫn trẻ không đưa tay lên mắt, mũi miệng. Khi nhà có trẻ bị bệnh, nên hạn chế tiếp xúc gần như: ôm hôn, không dùng chung dụng cụ và thức ăn chung với trẻ khác. Cho trẻ nghỉ học cho đến khi mụn nước khô đóng vẩy, tránh lây nhiễm cho bạn học, cần vệ sinh đồ dùng, bề mặt các vật dụng trẻ hay chạm vào để làm sạch virus gây bệnh.

Mỹ Hạnh - CDC Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn