“Thủy đậu" - phòng bệnh hơn chữa bệnh
Cập nhật ngày: 04/07/2023 17:34:03
ĐTO - Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 tới nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 4.000 ca mắc thủy đậu, trong đó tại Hà Nội là trên 1.400 ca mắc, tăng hơn 21 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, đã có trường hợp mắc bệnh thủy đậu tử vong do biến chứng. Dù là bệnh lành tính nhưng thủy đậu có thể diễn biến bất thường, có nguy cơ biến chứng nặng, gây tử vong, nhất là ở trẻ em và phụ nữ có thai.
Bác sĩ thăm khám cho trẻ em mắc bệnh thủy đậu (Ảnh: Ngọc Oai)
Bệnh thủy đậu hay còn được dân gian gọi là trái rạ, là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu có tên Varicella virus gây ra. Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh thường phát sinh và bùng phát mạnh nhất trong thời tiết nồm ẩm. Biểu hiện rõ rệt của thủy đậu là những mụn nước phồng rộp nổi trên khắp cơ thể, ngay cả trong niêm mạc lưỡi và miệng.
Theo bác sĩ Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp: "Bệnh Thủy đậu là bệnh rất thường gặp và lây rất mạnh, nó lây qua tiếp xúc, lây qua đường hô hấp, qua các giọt bắn. Đặc biệt, gần như hầu hết các trẻ em lớn lên đều bị thủy đậu, đặc điểm của nó là, nếu trẻ em nhỏ thì bệnh không nặng, mà càng lớn thì nó sẽ càng nặng".
Tại Đồng Tháp, tính đến đầu tháng 6 đã có 69 ca mắc, tăng 60 so với cùng kỳ, và chưa ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, với tình hình bệnh thủy đậu bùng phát và tăng cao đột biến ở nhiều nơi trên cả nước, đáng chú ý đã có trường hợp tử vong. Mặt khác, với mức độ lưu hành nhanh như hiện nay, việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh là yêu cầu cấp thiết. Bởi vì bệnh thủy đậu có nhiều đường lây truyền và khả năng bùng phát thành dịch lớn là rất cao.
Bác sĩ Võ Thanh Minh - Khoa khám bệnh, Trung tâm y tế TP Cao Lãnh, cho biết: "Hiện nay, qua công tác tuyên truyền ở các xã, phường thì số lượng người tham gia tiêm phòng thủy đậu cũng tăng cao. Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh cũng mong muốn bà con đưa các em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng liều theo hướng dẫn của ngành y tế để phòng, chống được bệnh thủy đậu".
Cũng theo các bác sĩ, thủy đậu là bệnh lành tính nên thường sẽ khỏi sau 7-10 ngày kể từ khi phát bệnh. Tuy nhiên, bệnh cũng có những biến chứng nguy hiểm nếu không có biện pháp chữa trị đúng cách. Nhất là đối với người lớn chưa có miễn dịch và Phụ nữ mang thai. Nếu không may mắc bệnh Thủy đậu, thai phụ sẽ đối mặt với những nguy hiểm như sảy thai, lây truyền bệnh sang con hoặc để lại dị tật thai nhi, thậm chí có thể tử vong cả mẹ lẫn con nếu gặp phải những biến chứng nặng. Những trường hợp còn lại cũng cần lưu ý với những biến chứng khác của thủy đậu.
Phó giám đốc Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Dương Ân Hận khuyến cáo: "Thủy đậu là bệnh không đến nỗi nặng, tuy nhiên nó là bệnh truyền nhiễm lây lan rất mạnh và có thể để lại sẹo cho bệnh nhân. Chính vì vậy, bà con cũng nên đi tiêm ngừa cho con em mình, để phòng bệnh sau này. Chăm sóc người bệnh thủy đậu thông thường thì phải cách ly với người khác để tránh lây lan, chăm sóc ăn uống, đặc biệt là tắm rửa, nếu xuất hiện những bóng nước vỡ ra thì cần phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được chăm sóc chống nhiễm trùng, tránh để lại sẹo sau này".
Cho đến hiện tại, bệnh thủy đậu chưa có thuốc đặc trị. Do đó, biện pháp duy nhất để phòng bệnh là tiêm ngừa vắc xin. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên có thể được tiêm ngừa thủy đậu để tạo miễn dịch phòng bệnh.
K.N