Ảnh hưởng của thuốc lá đối với thai nhi và trẻ nhỏ

Cập nhật ngày: 19/12/2021 06:11:26

Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại hóa chất gây hại cho sức khỏe người hút thuốc, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Hút thuốc ở phụ nữ mang thai gây các ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả bà mẹ và em bé.


Ảnh minh họa (internet)

Hút thuốc làm tăng nguy cơ thai chết lưu, gây các biến chứng ở nhau thai, làm thai nhi phát triển chậm trong tử cung. Ở những thai phụ hút thuốc thì nguy cơ sanh ra trẻ nhẹ cân cao gấp 3 - 4 lần và trung bình nhẹ hơn khoảng 170 - 200 gram so với trẻ ở thai phụ không hút thuốc do những đứa trẻ này phát triển chưa được đầy đủ. Trọng lượng khi sinh thấp là một yếu tố nguy cơ quan trọng cho sức khỏe trẻ mới sinh và thậm chí còn gây những biến chứng muộn sau này.

Tăng nguy cơ truyền HIV cho thai nhi: Ở những phụ nữ có hút thuốc khi mang thai thì khả năng lây truyền cao hơn nhiều lần. Theo một nghiên cứu ở những bà mẹ có HIV dương tính thì thấy những người hút thuốc tỷ lệ cao gấp 3,3 lần so với người không hút thuốc.

Dị tật bẩm sinh: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ở những thai phụ hút thuốc trên 1 bao/ngày, khi mang thai thì nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao gấp 1,6 - 2,3 lần so với người không hút thuốc. Các tế bào ở thai nhi đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện cần rất nhiều dinh dưỡng và oxy cung cấp cho hoạt động này, việc thiếu máu nuôi dưỡng bào thai khi hút thuốc ảnh hưởng rất lớn đến sự hoàn thiện của cơ thể trẻ, dễ dẫn đến các dị tật bẩm sinh không mong muốn.

Tình trạng dị ứng: Các bà mẹ hút thuốc khi mang thai làm cho con của họ có nguy cơ bị dị ứng cao gấp 3 lần so với con của các bà mẹ không hút thuốc.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh: Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ quan trọng trong hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Khoảng 30% những trường hợp chết đột ngột ở trẻ sơ sinh có thể phòng bằng cách cha mẹ bé bỏ thuốc.

Ảnh hưởng đến trí tuệ của thế hệ sau: Người mẹ hút thuốc lá khi mang thai còn ảnh hưởng lâu dài cho bé sau khi sinh. Trẻ khi sinh ra sau này thường có khó khăn trong nhận thức, rối loạn hành vi và giảm khả năng học tập ở trường. Các nhà nghiên cứu cho rằng, các ảnh hưởng đó là do thuốc lá gây giải phóng vào trong máu những chất làm tổn thương hệ thống thần kinh trung ương. Sự giảm oxy cũng là một trong những nguyên nhân gây tình trạng này. Các nghiên cứu gần đây thấy rằng, ở những đứa con của những người có hút thuốc trong thời kỳ mang thai thì tỉ lệ chậm phát triển trí tuệ tăng hơn 50% so với người không hút thuốc và tăng 70% ở những người hút từ 1 bao/ngày trở lên.

Qua đó, cho thấy tác hại của thuốc lá đối với thai nhi và trẻ nhỏ là vô cùng to lớn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi dẫn đến thai nhẹ cân, thai chậm phát triển, suy thai... mà còn là yếu tố nguy cơ cho hàng loạt các vấn đề ở trẻ sơ sinh, thậm chí dẫn đến đột tử ở trẻ sơ sinh. Thuốc lá còn ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển thể chất lẫn tâm thần của trẻ sau này. Chính vì vậy, hãy “Nói không với thuốc lá để bảo vệ thế hệ trẻ” không chỉ riêng ở phụ nữ mang thai mà toàn thể gia đình và xã hội cùng tham gia để tạo nên môi trường không khói thuốc lá cho trẻ.

MỸ HẠNH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn