Bệnh than - mối hiểm họa tiềm ẩn lâu dài
Cập nhật ngày: 18/06/2023 03:30:02
ĐTO - Gần đây, bệnh than đang có dấu hiệu quay trở lại và lây lan nhanh chóng hình thành các điểm dịch. Cụ thể tại tỉnh Điện Biên, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trong tháng 5/2023 đã ghi nhận 3 điểm ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc bệnh.
Tổn thương trên bệnh nhân mắc bệnh than (Nguồn: SKĐS)
Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tại Việt Nam, bệnh than thường lưu hành ở các tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang vẫn ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh than trên người. Trung bình giai đoạn 2016-2022, toàn quốc ghi nhận 7 ca/năm và không có ca tử vong.
Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường làm tổn thương da, hiếm khi gây tổn thương mồm - họng, đường hô hấp dưới, trung thất hoặc bộ máy tiêu hóa. Ở thể da, chỗ da bị nhiễm trùng xuất hiện ngứa đầu tiên, sau đó dẫn đến tổn thương, nổi sần, mụn nước và từ 2 - 4 ngày sau phát triển thành nốt loét màu đen. Xung quanh chỗ loét thường có phù mức độ từ nhẹ đến nặng và lan rất rộng, đôi khi có mụn nước nhỏ thứ phát. Tỷ lệ tử vong bệnh than thể da không được điều trị từ 5 - 20%. Nếu điều trị kháng sinh có hiệu quả ít khi xảy ra tử vong.
Tác nhân gây bệnh do trực khuẩn than (Bacillus anthrasis). Vi khuẩn tồn tại ở động vật, thường là động vật ăn cỏ bao gồm cả động vật hoang dã cũng như gia súc làm lan truyền trực khuẩn trong chảy máu, lúc chết. Ở môi trường bên ngoài, trực khuẩn tạo bào tử và bào tử B.anthracis rất bền vững có thể sống sót trong đất nhiều năm sau khi động vật bị bệnh đã bị tiêu diệt.
Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với các mô của động vật (gia súc, cừu, dê, ngựa, lợn và các súc vật khác) chết vì mắc bệnh than; nhiễm qua lông, da, xương hoặc các sản phẩm làm từ những nguyên liệu trên như: trống, bàn chải... Lây truyền qua đất bị nhiễm khuẩn từ các động vật mắc bệnh hoặc do sử dụng phân bón chế biến từ xương động vật bị nhiễm khuẩn dùng cho việc chăm bón vườn tược. Bệnh lây truyền từ người sang người rất hiếm. Thời gian ủ bệnh: từ một vài giờ đến 7 ngày, hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiếp xúc.
Để phòng bệnh than truyền nhiễm và lây lan cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Giữ gìn vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm khuẩn có khả năng bị lây truyền bệnh than và cách chăm sóc chỗ da bị xây xát; phòng, chống bụi và đảm bảo thông gió tốt ở những ngành công nghiệp có nguy cơ lây bệnh than, đặc biệt ở những nơi chế biến nguyên vật liệu động vật thô.
Duy trì kiểm tra sức khỏe thường kỳ cho công nhân với sự chăm sóc y tế kịp thời đối với những chỗ da bị tổn thương nghi nhiễm khuẩn; sử dụng quần áo bảo hộ lao động, nhà tắm thích hợp để tắm giặt và thay quần áo sau khi làm việc; dùng hơi focmaldehyt để tiệt khuẩn giai đoạn cuối cùng ở những nhà máy bị nhiễm B. anthracis.
Rửa, tiệt khuẩn cẩn thận các lông, da, các sản phẩm của xương và các thức ăn khác nguồn gốc động vật thật cẩn thận trước khi chế biến.
Không giết mổ, không ăn, không sử dụng, không buôn bán các sản phẩm từ gia súc mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh...
Nếu nghi là bệnh than thì không cần mổ xác súc vật nhưng lấy mẫu máu vô khuẩn ở cổ để nuôi cấy vi khuẩn; cần chôn sâu xác chết, không được đốt ở ngoài trời; tẩy uế nơi có xác chết và chất thải của gia súc bằng dung dịch kiềm 5%, oxit canxi (vôi bột); xác súc vật phải được phủ một lớp vôi bột trước khi chôn.
Kiểm tra nước thải và chất thải từ các nhà máy chế biến súc vật có thể bị nhiễm bệnh và các nhà máy sản xuất sản phẩm từ lông, da có thể bị nhiễm khuẩn.
Mỹ Hạnh - CDC Đồng Tháp