Chủ động kiểm soát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ
Cập nhật ngày: 21/09/2024 15:45:15
ĐTO - Thực hiện chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế và Sở Y tế Đồng Tháp về việc tăng cường hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, chủ động phát hiện, kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ (ĐMK), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp đã và đang triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch tại các Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) trên địa bàn tỉnh.
Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước mỗi ngày có hàng trăm lượt người dân qua lại
Tăng cường giám sát, kiểm soát nhập cảnh tại cửa khẩu
Đồng Tháp có 2 CKQT: Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng). Tại các CKQT, việc lưu thông giữa người dân Việt Nam - Campuchia vẫn tấp nập với hàng trăm lượt người mỗi ngày qua lại biên giới. Chính vì thế, việc giám sát nhập cảnh tại cửa khẩu luôn được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, nhằm phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập.
Thời điểm này, tại CKQT Thường Phước, lưu lượng xuất nhập cảnh qua lại của người dân 2 bên biên giới bằng đường bộ mỗi ngày khoảng 200 - 300 lượt, đường thủy khoảng 50 - 70 lượt. Do đó, Đồn biên phòng CKQT Thường Phước phối hợp Trạm kiểm dịch y tế CKQT Thường Phước tổ chức chốt chặn, kiểm tra y tế và các thủ tục liên quan khi người dân có nhu cầu qua lại cửa khẩu và kết hợp Trạm y tế xã để xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.
Ông Nguyễn Văn Đường Lâm - Trạm trưởng Trạm kiểm dịch y tế CKQT Thường Phước, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về tăng cường kiểm soát y tế đối với bệnh ĐMK, Trạm kiểm dịch y tế Thường Phước chuẩn bị phòng cách ly tạm thời, một số hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng ứng phó khi có ca nghi ngờ bệnh ĐMK, trạm sẽ xử lý. Đồng thời phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng kiểm tra, giám sát người nhập cảnh, giám sát yếu tố dịch tễ, nếu có ca nghi ngờ sẽ tiến hành theo dõi, cách ly. Ngoài thực hiện chuyên môn, chúng tôi còn tuyên truyền cho người dân và hành khách về tình hình dịch bệnh, cách nhận biết, biện pháp phòng, chống để người dân tự bảo hộ”.
Cùng với đó, lực lượng giữ gìn trên tuyến biên giới luôn tích cực tuần tra kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối tắt qua lại biên giới, đề phòng những trường hợp lén lút đi vào nội địa. Đại úy Lê Hoàng Việt - Trạm trưởng Trạm biên phòng CKQT Thường Phước, cho biết: “Trong công tác quản lý xuất nhập cảnh ở CKQT Thường Phước, các lực lượng liên ngành thường xuyên trao đổi thông tin dịch bệnh. Phối hợp lấy thông tin đối với hành khách làm thủ tục xuất nhập cảnh, đặc biệt là một số trường hợp có biểu hiện, triệu chứng về sức khỏe sẽ thông tin cho lực lượng y tế tiến hành kiểm tra. Thường xuyên phối hợp tuần tra, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, đề phòng những trường hợp lén lút đi vào nội địa”.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối tắt qua lại biên giới; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an xã, dân quân, hải quan, lực lượng kiểm dịch để kiểm soát người, phương tiện qua lại khu vực biên giới, nhằm đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. “Chúng tôi trao đổi với các lực lượng chức năng Campuchia để kịp thời thông báo tình hình, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Đơn vị vẫn duy trì các chốt biên giới; tăng cường khuyến cáo người dân không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, trao đổi hàng hóa không rõ nguồn gốc” - đại úy Lê Hoàng Việt chia sẻ.
Cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân biện pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ
Đẩy mạnh công tác truyền thông
Tại tỉnh Đồng Tháp, đến thời điểm này chưa ghi nhận ca mắc ĐMK. Tuy nhiên, với tình hình số ca mắc ở khu vực phía Nam, thực hiện chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, ngành y tế đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động dự phòng như: tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, điều trị và phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh ĐMK; đẩy mạnh công tác truyền thông; phối hợp giám sát tốt các cửa khẩu...
Theo hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh ĐMK do Bộ Y tế ban hành, bệnh ĐMK không phải là bệnh mới, bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958. Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh... Các triệu chứng của bệnh thường thấy như: sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, phát ban (mụn nước xuất hiện trên mặt hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như: bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn). Bệnh có thể tự khỏi trong vòng từ 2 - 3 tuần.
Bác sĩ CKII Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, cho biết: “Bệnh ĐMK là bệnh truyền nhiễm, đang có chiều hướng lây lan mạnh từ người sang người qua giao tiếp. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo phải hết sức cảnh giác với bệnh này. Tỉnh Đồng Tháp có 2 CKQT, vì vậy nguy cơ xâm nhập bệnh ĐMK từ nước ngoài vào nước ta qua các cửa khẩu là có thể xảy ra. Tuy nhiên hiện nay, ở tỉnh ta, lượng khách qua lại khu vực biên giới không nhiều, nguy cơ có nhưng không cao. Để chủ động phòng bệnh, chúng tôi triển khai lực lượng kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh ĐMK tại các CKQT trên địa bàn tỉnh. Bệnh ĐMK có thời gian ủ bệnh khá dài, từ 1 - 3 tuần và lây trong thời gian có biểu hiện của bệnh. Vì vậy, việc phòng, chống bệnh là phát hiện sớm để kiểm soát, cách ly, áp dụng các biện pháp tránh lây nhiễm cho người khác”.
Bác sĩ CKII Dương Ân Hận khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh ĐMK như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh ĐMK. Trong trường hợp có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh ĐMK khi về cần khai báo y tế.
Áp-phích khuyến cáo phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ
Bên cạnh đó, các đơn vị, sở, ngành, địa phương liên quan cần tăng cường truyền thông, giám sát, phát hiện sớm bệnh ĐMK; kịp thời triển khai các biện pháp xử lý, can thiệp, kiểm soát, phòng, chống dịch, phòng, chống bệnh; tăng cường truyền thông về bệnh ĐMK để người dân hiểu nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; vận động người dân thực hiện vệ sinh nơi ở, vệ sinh cá nhân để phòng bệnh.
Hiện nay, bệnh ĐMK chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng bệnh thường nhẹ và có thể tự khỏi; người bệnh chủ yếu được điều trị triệu chứng. Bệnh chỉ diễn tiến nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch như: xơ gan, đái tháo đường, AIDS, trẻ sơ sinh... Biến chứng ở các ca bệnh ĐMK nặng gồm nhiễm trùng da, mắt (có thể mất thị giác), viêm phổi, lú lẫn. Trên thế giới, đã có một số loại vắc-xin mang lại khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh ĐMK, tuy nhiên chưa được phổ biến rộng rãi, vì vậy, người dân không nên hoang mang, lo lắng.
Sông Ngân