Chủ động phòng bệnh khi thời tiết giao mùa
Cập nhật ngày: 11/02/2023 05:56:32
ĐTO - Những ngày qua, tỉnh Đồng Tháp bước vào chu kỳ giao thoa giữa mùa Đông sang mùa Xuân, thời tiết thay đổi thất thường làm tăng nguy cơ dễ mắc bệnh ở người lớn và trẻ nhỏ. Nhằm giúp người dân chủ động phòng ngừa những bệnh thường gặp, chăm sóc tốt cho sức khỏe bản thân và gia đình, phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với Bác sĩ chuyên khoa II (BSCKII) Dương Ân Hận - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Bác sĩ chuyên khoa II Dương Ân Hận
PV: Bác sĩ có thể khái quát về tình hình, số ca mắc các loại bệnh thường gặp ở người trên địa bàn tỉnh trong những ngày gần đây?
BSCKII Dương Ân Hận: Theo giám sát của Trung tâm Kiểm soát bênh tật tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh chủ yếu ghi nhận các bệnh thường gặp như: sốt xuất huyết (276 ca), tay - chân - miệng (141 ca), cúm (798 ca)...; chưa phát hiện các bệnh mới nổi, tái nổi. Tuy nhiên, số trường hợp mắc các bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng lại tăng cao so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, thời tiết có nhiều đợt mưa đầu năm tạo điều kiện có lợi cho quần thể véc - tơ (muỗi) phát triển, nên dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết năm nay có thể diễn biến phức tạp. Riêng bệnh Covid-19 đã ghi nhận 43 trường hợp mắc, chủ yếu là các trường hợp nhẹ. Sau khi điều trị các trường hợp này đều đã phục hồi.
PV: Với các yếu tố về thời tiết diễn biến thất thường như thế, người dân cần cẩn trọng với các bệnh nào, thưa bác sĩ?
BSCKII Dương Ân Hận: Trong những ngày qua, nhiệt độ môi trường thường xuống thấp, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển và gây bệnh. Người dân cần lưu ý các bệnh lây truyền qua hô hấp như: cảm cúm, viêm phổi, sởi, rubella, Covid-19 và các bệnh lưu hành thường xuyên, nhất là sốt xuất huyết, tay - chân - miệng. Ngoài ra, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với chế độ ăn uống với nhiều bia, rượu, bánh mứt..., thì hiện nay các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa cũng phổ biến và cần được chú ý theo dõi, điều trị kịp thời.
PV: Theo bác sĩ, người dân có nên tiêm vắc - xin để chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình trước các loại bệnh dịch hay không? Cụ thể là cần tiêm các mũi vắc - xin nào?
BSCKII Dương Ân Hận: Tiêm vắc - xin là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả và tiện lợi so với các biện pháp phòng ngừa khác hiện nay đối với người dân. Do vậy, ngành y tế khuyến cáo, đối với các bệnh truyền nhiễm có vắc - xin phòng bệnh, người dân nên tiêm phòng cho từng loại bệnh theo đúng lịch và đủ liều. Đặc biệt đối với trẻ em dưới 5 tuổi, cần tiêm ngừa đủ liều các vắc - xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhất là vắc - xin phòng bệnh sởi. Bởi vì sởi là bệnh rất dễ bùng phát thành dịch ở thời điểm hiện nay do mầm bệnh vẫn còn lưu hành ở địa phương. Hơn nữa, trong những năm trước, việc tiêm ngừa vắc - xin phòng bệnh sởi - rubella cũng bị gián đoạn do dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chưa đạt theo yêu cầu...
Bên cạnh đó, tiêm vắc - xin phòng ngừa Covid-19 cũng là vấn đề trọng tâm được khuyến cáo ở hầu hết các lứa tuổi (từ 5 tuổi trở lên). Mọi người cần tiêm đầy đủ các mũi cơ bản và tiêm tiếp những mũi nhắc lại theo khuyến cáo của ngành y tế để củng cố miễn dịch. Ngoài ra, người dân cũng có thể đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn và tiêm các loại vắc - xin phòng bệnh khác như: cúm mùa, tiêu chảy cấp do vi - rút ở trẻ nhỏ, viêm phổi do phế cầu, ho gà, quai bị, thủy đậu...
Trẻ em đến khám và điều trị bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
PV: Bên cạnh việc tiêm ngừa vắc - xin, bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc chủ động phòng ngừa, điều trị khi nhiễm bệnh trong thời điểm hiện nay?
BSCKII Dương Ân Hận: Để chủ động phòng tránh các mầm bệnh trong thời điểm hiện nay, người dân cần thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang nơi đông người, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Bên cạnh đó, mỗi người cần quan tâm đến việc tăng cường đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống đủ chất, lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh. Ngủ mùng ngay cả ban ngày để tránh muỗi đốt, phòng bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần nhanh chóng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất, hạn chế việc mua thuốc tự điều trị tại nhà...
PV: Xin chân thành cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!
LÊ THANH (thực hiện)