Chủ động phòng bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em trong thời điểm giao mùa

Cập nhật ngày: 09/09/2023 09:46:05

ĐTO - Viêm đường hô hấp (VĐHH) là căn bệnh thường gặp ở trẻ em khi thời tiết giao mùa. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ mà còn có nguy cơ khiến trẻ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã khám, điều trị cho trên 3.800 trẻ em mắc VĐHH. Trong đó, có trên 1.800 ca nội trú và trên 2.000 ca ngoại trú. Một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ nhỏ dễ bị VĐHH, đặc biệt khi thời tiết giao mùa là do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, chưa bảo vệ được cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.

Có con bị VĐHH đang điều chị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh ngụ xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh lo lắng chia sẻ: “Bé nhà em bị nóng, ho, sốt 5 ngày rồi, nên em đưa tới bệnh viện khám, bác sĩ cho toa 2 ngày thuốc uống nhưng bé không hết nên phải nhập viện”.


Trẻ bị bệnh viêm đường hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Cũng như chị Linh, chị Nguyễn Thị Tiết Nhung ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông bộc bạch: “Bé bị ho, tôi chở lên bệnh viện Tam Nông khám và được chuyển xuống đây. Bé bị viêm phổi, nay bé đã khỏe nhiều rồi, tôi chăm sóc bé cẩn thận hơn, không để xảy ra tình trạng này nữa”.

Theo Ths.BS Chuyên khoa II Bùi Li Mông - Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp: “VĐHH ở trẻ em có VĐHH trên hoặc VĐHH dưới. Nguyên nhân phổ biến gây VĐHH ở trẻ là do virus, bên cạnh chủng virus còn có vi khuẩn kèm theo. Khi trẻ bị VĐHH nếu không được chăm sóc tốt sẽ gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản. Khi bị VĐHH, trẻ sẽ dễ bị sốt, ho, đau họng; chảy mũi, quấy khóc chán ăn; trường hợp nặng sẽ bị buồn nôn, khó thở...”.

VĐHH hiện nay vẫn được xem là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm ở trẻ em. Do đó, các phụ huynh cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng như: li bì, khó đánh thức, bỏ bú, nôn tất cả mọi thứ, sốt co giật... cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và được điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trẻ bị VĐHH ở mức độ nhẹ, bố mẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, hút mũi để làm thông thoáng đường thở cho trẻ. Trẻ bị sốt nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo liều lượng phù hợp tránh để sốt cao kéo dài, nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, tránh để cơ thể mất nước. Đối với trẻ đang được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, nên cho bé bú nhiều hơn và chia thành nhiều cữ nhỏ trong ngày để hỗ trợ bé tiêu hóa, giảm nôn trớ. Đối với trẻ lớn hơn, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất cho trẻ nhằm giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật.


Ths.BS Chuyên khoa II Bùi Li Mông - Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân

Ths.BS Chuyên khoa II Bùi Li Mông, khuyến cáo: “Biện pháp giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ là cách tốt nhất để phòng ngừa VĐHH ở trẻ em. Nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu sau sinh để hỗ trợ sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ; cho trẻ tiêm phòng vacxin đầy đủ và đúng lịch; cho trẻ uống nước ấm vào mỗi buổi sáng, sau khi trẻ thức dậy; tập cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng khử khuẩn; hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người có triệu chứng hoặc nghi ngờ VĐHH; hạn chế cho trẻ ra ngoài trời khi thời tiết chuyển mùa, quá lạnh hoặc quá nóng; không cho quạt quay thẳng vào trẻ khi trẻ đang chơi, ngủ hay học tập và thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học”.

Các triệu chứng của bệnh VĐHH ở trẻ em thường xuất hiện ở mức độ nhẹ và có thể chuyển biến nhanh chóng, gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Vì vậy, bố mẹ cần chủ động thực hiện tốt các phương pháp phòng ngừa VĐHH cho trẻ. Đồng thời, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị VĐHH đúng cách ngay khi trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

SÔNG NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn