Chủ động phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng

Cập nhật ngày: 02/08/2023 10:10:57

ĐTO - Theo thống kê từ Chương trình chống lao Quốc gia, Đồng Tháp là tỉnh có tình hình dịch tễ lao cao, đứng hàng thứ 2/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 2017 - 2022, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 2.600 bệnh nhân mắc lao các loại. Để phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng, tỉnh triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tăng cường truyền thông, tầm soát chủ động bệnh lao, góp phần phòng ngừa, hạn chế bệnh lao trong cộng đồng.


Bệnh nhân điều trị bệnh lao tại Bệnh viện phổi Đồng Tháp

Những năm qua, thực hiện Chương trình phòng, chống lao, Bệnh viện phổi Đồng Tháp phối hợp với các đơn vị liên quan, Trung tâm Y tế huyện, thành phố, Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện công tác truyền thông qua hệ thống truyền thanh huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tuyên truyền cho người dân về Chương trình phòng, chống bệnh lao của tỉnh; các biểu hiện nhận biết mắc bệnh lao; mức độ nguy hiểm và những ảnh hưởng đến sức khỏe khi mắc bệnh lao; các biện pháp phòng bệnh... góp phần giúp người dân có thêm kiến thức, thực hiện tốt việc phòng ngừa bệnh lao. Ngoài ra, thực hiện công tác tầm soát lao chủ động để phát hiện bệnh lao trong cộng đồng, trong giai đoạn 2017 - 2022, Bệnh viện phổi Đồng Tháp thực hiện tầm soát lao chủ động bằng phương pháp 2X (X-Quang và Xpert) tại cộng đồng cho hơn 6.150 người (gồm phạm nhân tại Trại giam Cao Lãnh và người dân ở các huyện: Cao Lãnh, Lai Vung, TP Hồng Ngự, TP Sa Đéc). Riêng 6 tháng đầu năm 2023, thực hiện tầm soát chủ động tại các xã: Bình Thành, Định Yên, thị trấn Lấp Vò (huyện Lấp Vò) cho 800 người dân có tiếp xúc với bệnh nhân lao được chụp X-Quang và xét nghiệm Xpert, qua đó phát hiện 12 ca lao.

Cùng với công tác tầm soát chủ động tại cộng đồng, Bệnh viện phổi Đồng Tháp tích cực thu dung, điều trị bệnh cho người mắc bệnh lao. Những ngày qua, anh N.V.T. (31 tuổi, ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung) nhập viện điều trị tại Bệnh viện phổi Đồng Tháp. Anh T. cho biết, trước giờ, anh nghĩ chỉ có người già mới mắc bệnh lao phổi. Tuy nhiên, cách đây 3 tuần, anh T. bị ho khan, đau ngực, khó thở kéo dài; mua thuốc uống nhưng không thuyên giảm. Anh T. đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp để khám. Qua chụp X-Quang và thăm khám, bác sĩ chẩn đoán anh T. có dấu hiệu bị bệnh lao phổi nên chuyển anh đến Bệnh viện phổi Đồng Tháp điều trị.

Trong thực tế, diễn biến và các biểu hiện của bệnh lao rất khó nhận biết, vì vậy, nhiều người khi đến cơ sở y tế xét nghiệm thì mới phát hiện mình bị mắc bệnh lao. Như trường hợp của ông L.V.M. (64 tuổi, ngụ xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) đang điều trị tại Bệnh viện phổi Đồng Tháp hơn 1 tuần qua. Ông M. chia sẻ, ở nhà ít khi làm công việc nặng nhọc. Khoảng 1 tháng nay, ông có biểu hiện sụt cân, mệt, khó thở, ho nhiều và hay sốt về chiều nên người nhà đưa đến bệnh viện để khám. Được bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm, ông M. mới biết bị mắc bệnh lao.

Một trong những khó khăn trong công tác phát hiện, điều trị và quản lý bệnh lao trên địa bàn tỉnh hiện nay là thực trạng bệnh lao đa kháng thuốc; người bệnh còn tâm lý e ngại, đến cơ sở y tế điều trị trễ; vấn đề kỳ thị đối với người mắc lao tại cộng đồng vẫn còn. Ngoài ra, một số người dân thiếu kiến thức về bệnh lao, tâm lý chủ quan với bệnh; bỏ điều trị, không hợp tác điều trị. Cán bộ phụ trách công tác phòng, chống lao có nhiều thay đổi, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống lao bị cắt giảm...

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Khoa Thi - Phó Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Tháp, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây nhanh, không di truyền mà do người bệnh tiếp xúc với vi-rút lao hoặc làm việc trong môi trường độc hại. Nếu bệnh nhân không phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt, bệnh lao ở trong cộng đồng rất nguy hiểm dễ lây lan, nếu một người mắc lao không điều trị ở trong cộng đồng sẽ lây bệnh cho nhiều người. Hiện nay, bệnh lao có thể mắc ở mọi lứa tuổi, tập trung nhiều ở độ tuổi 50 trở lên.

Để phòng tránh bệnh lao, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Khoa Thi khuyến cáo: “Nếu người dân có những biểu hiện bất thường như: ho khan, ho có đờm kéo dài, ho ra máu, gầy, sụt cân, mệt, khó thở... hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, kiểm tra sức khỏe. Đối với những người đã mắc lao, nên tuân thủ điều trị theo phác đồ, điều trị đúng liều, đúng lượng và đúng thời gian thì mới khỏi bệnh. Đặc biệt, không nên chủ quan; cần chủ động kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện, điều trị kịp thời”.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn