Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 30/05/2023 16:40:01

Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt là thời điểm gần đây, khi bước vào mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng cao. Việc chủ động các biện pháp đề phòng là khuyến cáo cấp thiết của ngành y tế đối với cộng đồng. Tại Đồng Tháp, số ca mắc sốt xuất huyết tính đến giữa tháng 5/2023 là 1.325 ca. Ngành y tế tỉnh cũng đã có nhiều biện pháp chủ động phòng dịch.

Trong vài tuần trở lại đây, khi thời tiết bước vào mùa mưa, đã xuất hiện nhiều trận mưa lớn. Đây chính là điều kiện để muỗi sinh sôi và phát triển nhanh, và là một trong những nguyên nhân có thể gây ra dịch sốt xuất huyết. Thực tế, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong do biến chứng nặng, trong đó có cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn rất chủ quan, lơ là với bệnh sốt xuất huyết.

Chị Bùi Thị Ánh Nguyệt ngụ Khóm 3, Phường 4, TP Cao lãnh, cho biết: “Nhà tôi có trẻ nhỏ, tôi giăng mùng cho bé ngủ kể cả ban ngày, cho bé mặc áo dài tay, xung quanh nhà không cho ứ đọng nước mưa, dọn dẹp các vật dụng chứa nước mưa và quần áo gọn gàng, không để muỗi có nơi trú ngụ”.

 Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, tính đến tuần thứ 20, cuối tháng 5, số ca mắc sốt xuất huyết tại TP Cao Lãnh là 104 ca. Tính chung toàn tỉnh Đồng Tháp là 1.325 ca, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy nguy cơ bùng dịch là rất lớn nếu người dân và cộng đồng vẫn chủ quan trong phòng, chống dịch.

Bác sĩ Võ Thanh Minh - Trưởng khoa Kiểm soát bênh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh, cho biết: “Chú trọng giải pháp phòng bệnh sốt xuất huyết là xử lý lăng quăng triệt để, dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng; hướng dẫn người dân phòng, chống sốt xuất huyết bằng các giải pháp như: đốt nhang xua muỗi, phun xịt hóa chất, tẩm mùng…”.

Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết rất dễ đưa đến các biến chứng nặng, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhất là vào ngày thứ 3, thứ 4 kể từ khi bệnh nhân khởi phát bệnh. Để chẩn đoán được sốt xuất huyết, người bệnh cần đến bệnh viện làm xét nghiệm máu ở ngày thứ 3 sau khi khởi phát triệu chứng sốt không giảm.

Bác sĩ Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết là bệnh rất nguy hiểm và có những biến chứng nặng. Biến chứng nặng nhất là sốc do xốt xuất huyết, thường xuất hiện vào ngày thứ 3 sau khi bệnh khởi phát. Biểu hiện nặng của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao, chán ăn, nhức đầu… nên người dân cần lưu ý, nếu sốt cao đến ngày thứ 3, nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời”

Hiện tại, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng ngừa. Do đó, biện pháp duy nhất là đề phòng sự lây truyền từ tác nhân gây bệnh là muỗi, người dân cần ý thức thực hiện các biện pháp phòng muỗi chích, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, dọn dẹp những nơi ao tù, nước đọng, không để muỗi đẻ trứng và sinh sôi, gây bùng dịch sốt xuất huyết.

K.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn