Có nên tiêm vaccine đậu mùa khỉ sau khi Việt Nam đã có ca mắc?

Cập nhật ngày: 06/10/2022 20:02:54

Các trường hợp ghi nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới phần lớn nằm ở nhóm đối tượng chưa phải nguy cơ cao để có thể gây tiến triển nặng nên biện pháp quan trọng trước mắt là cần phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ.

Liên quan tới việc nước ta vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ là một phụ nữ ở TPHCM từng có tiền sử đi du lịch Dubai, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nhận định, sự xuất hiện của ca bệnh đậu mùa khỉ này không có gì bất ngờ trong bối cảnh thế giới đang mở cửa, giao lưu đi lại tăng mạnh sau dịch Covid-19.

Trước vấn đề dư luận đang quan tâm là việc tiêm vaccine ngừa đậu mùa khỉ khi một số nước trên thế giới đã cho phép lưu hành loại vaccine phòng ngừa này, một số chuyên gia dịch tễ cho biết, loại vaccine này không được khuyến cáo tiêm rộng rãi mà chỉ ở nhóm đối tượng có nguy cơ. Trong Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người do Bộ Y tế ban hành cũng nêu rõ, việc sử dụng vaccine để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người được tiêm vaccine đậu mùa được bảo vệ ít nhất 85% với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, thế giới đã loại trừ vĩnh viễn bệnh đậu mùa từ cuối những năm 70 và đầu năm 80 nên hiện nay rất ít nước còn dự trữ vaccine đậu mùa. Dây chuyền sản xuất đã đóng cửa từ lâu, chỉ một số nước tái khởi động lại các dây chuyền này. Do đó, hiện chưa có chỉ định tiêm vaccine rộng rãi với bệnh đậu mùa khỉ với tất cả người dân.

Cũng về vấn đề này, bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, WHO không khuyến cáo sử dụng vaccine đậu mùa tiêm đại trà cho người dân. Hiện tại căn cứ trên sự rủi ro, lợi ích, cộng thêm virus đậu mùa khỉ không dễ lây lan, bệnh có thể tự khỏi nên chúng ta không cần tiêm chủng đại trà vào thời điểm này.

Trong khi đó, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, qua kết quả giải trình tự gene nữ bệnh nhân đầu tiên mắc đậu mùa khỉ ở nước ta là mắc chủng Monkeypox virus có nguồn gốc từ Tây Phi, lây lan chậm và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với chủng Trung Phi. Đây cũng là chủng đang lưu hành phổ biến tại nhiều nước ở châu Âu.

Các trường hợp ghi nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới phần lớn nằm ở nhóm đối tượng chưa phải nguy cơ cao để có thể gây tiến triển nặng. Do đó biện pháp quan trọng trước mắt là cần phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu và cơ sở điều trị nhằm phát hiện sớm các ca lây nhiễm, ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.

Theo NGUYỄN QUỐC (SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn