Cộng đồng chủ động phòng ngừa dịch cúm gia cầm A/H5N1

Cập nhật ngày: 03/03/2023 10:36:56

ĐTO - Ngày 23/2, tại tỉnh PreyVeng (Vương quốc Campuchia) ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhi tử vong do nhiễm vi-rút cúm gia cầm A/H5N1. Là địa phương có đường biên giới hơn 50km giáp với tỉnh PreyVeng, những ngày qua, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1. Phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II (CKII) Dương Ân Hận - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về công tác triển khai các biện pháp phòng dịch của ngành y tế.

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết công tác triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với dịch cúm gia cầm A/H5N1 của ngành y tế tỉnh sau khi tiếp nhận thông tin tình hình dịch bệnh từ phía Campuchia?


Bác sĩ chuyên khoa II Dương Ân Hận - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Bác sĩ CKII Dương Ân Hận: Theo thông cáo báo chí từ Bộ Y tế Campuchia, 2 ca nhiễm vi-rút cúm gia cầm A/H5N1 trên người là cha và con ruột ngụ tại xã Romlech, huyện Sithor Kandal, tỉnh PreyVeng. Trong đó, người cha không có biểu hiện lâm sàng, còn bệnh nhi (11 tuổi) có biểu hiện ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi và tử vong sau 3 ngày điều trị tại cơ sở y tế.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về ca bệnh tử vong do vi-rút cúm gia cầm A/H5N1 phía Campuchia, cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành y tế tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường giám sát chặt người nhập cảnh từng đi/đến/ở từ vùng có dịch cúm gia cầm A/H5N1; kịp thời phát hiện những trường hợp có yếu tố nghi ngờ, cách ly để điều tra dịch tễ, khi cần thiết sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Bên cạnh đó, ngành y tế tăng cường giám sát các ca bệnh tại cộng đồng và cơ sở y tế, nhất là khu vực biên giới. Đặc biệt, các trường hợp viêm phổi nặng, viêm phổi do vi-rút có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch, chúng tôi sẽ lấy mẫu bệnh phẩm để gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xét nghiệm chẩn đoán để xác định tác nhân gây bệnh.

Ngành y tế cũng phối hợp ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường hoạt động kiểm dịch đối với các loại gia cầm vận chuyển vào địa bàn tỉnh qua cửa khẩu, các đường mòn lối mở; giám sát dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và chủ động chia sẻ thông tin liên ngành để phát hiện sớm các ổ dịch, triển khai kịp thời biện pháp xử lý, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan rộng trong cộng đồng.

Phóng viên: Hiện nay, người dân lo lắng trước những thông tin về dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1. Bác sĩ có lời khuyên gì để người dân tránh tâm lý hoang mang?

Bác sĩ CKII Dương Ân Hận: Hiện nay, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 tại Campuchia chỉ xuất hiện vài ca bệnh. Tại tỉnh Đồng Tháp cũng chưa phát hiện vi-rút cúm A/H5N1 lưu hành trên gia cầm hay trên người. Do đó, ngành y tế cũng đang truyền thông theo hướng dịch bệnh có yếu tố nguy cơ để cộng đồng cùng chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, ngành y tế và các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương chủ động phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường công tác phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả, không để dịch xâm lấn địa bàn. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người dân không quá lo lắng, hoang mang, mà quan trọng là thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, ngành y tế có những khuyến cáo gì để giúp người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 hiệu quả, cũng như bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình?

Bác sĩ CKII Dương Ân Hận: Đối với gia đình có nuôi gia cầm, mọi người nên chủ động theo dõi, phát hiện sớm khi đàn gia cầm có dấu hiệu bị cúm và trình báo lực lượng thú y địa phương. Đặc biệt, không tiếp xúc, ăn thịt gia cầm bệnh hoặc gia cầm chết, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Hiện nay, có nhiều loại vi-rút cúm gia cầm đang lưu hành trên các đàn chim hoang dã. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo khi phát hiện xác chết các loại chim, cò... người dân cũng cần lưu ý không tiếp xúc gần để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.

Chủ động ngừa việc lây bệnh từ người sang người, người dân nên hạn chế tiếp xúc với những trường hợp mắc bệnh phổi nặng khi không thật sự cần thiết, khi buộc phải tiếp xúc cần phải đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Tự theo dõi sức khỏe của bản thân và những người trong gia đình; tăng cường sức đề kháng bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin; đảm bảo thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống chín. Khi có biểu hiện nghi ngờ nhiễm cúm như: sốt, ho, đau họng, đau ngực, khó thở..., cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời...

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!

LÊ THANH (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn