Đảm bảo sức khỏe mùa thi

Cập nhật ngày: 27/05/2013 04:02:17

Chỉ còn một tuần nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, khối lượng kiến thức bài vở phải tập trung ôn luyện rất nhiều khiến học sinh ăn ngủ không đều độ làm ảnh hưởng không ít đến sức khỏe và kết quả học tập.

Bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga

Để phụ huynh và học sinh biết cách giữ gìn sức khỏe các em trong mùa thi, phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn bác sĩ (BS) Ngô Thị Kiều Nga - Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp.

PV: Để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng cho cơ thể trong quá trình ôn thi và thi, theo BS, học sinh cần phải làm gì?

BS Ngô Thị Kiều Nga: Nếu thiếu năng lượng ta sẽ không thể hoạt động và học tập, nói chi đến thi cử. Do đó, trước tiên, các em cần đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng hàng ngày. Ở lứa tuổi các em, năng lượng không chỉ cần thiết cho học tập, lao động mà còn để cơ thể phát triển nên nhu cầu năng lượng là cao. Tuy nhiên, trong giai đoạn tập trung học thi có khi quên cả ăn nên thường các em không nạp đủ năng lượng cho cơ thể.

Để cơ thể nhận đủ năng lượng, các em cần ăn đủ 3 bữa chính (mỗi bữa phải được khoảng 2 chén cơm hoặc có thể thay phở, hủ tíu, bánh mì...) với đầy đủ các nhóm thực phẩm và nên nhớ cũng cần thêm 3 bữa phụ như sữa, yaourt, trái cây, bắp, khoai, chè đậu... trong ngày.

Bữa ăn chính cần có đủ bốn nhóm thực phẩm: Bột đường (cơm, bún, bánh mì...), chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, đậu đỗ các loại), chất béo (dầu, mỡ, bơ), rau củ và trái cây; bữa ăn phụ cần thiết là ly sữa tươi, sữa chua, bánh bông lan, củ khoai lang, trái bắp, trái cây... Các loại thức ăn cần đa dạng, đổi món thường xuyên để nhận đủ các chất dinh dưỡng.

PV: BS có thể cho biết các nguyên tắc ăn uống giúp các em có đủ sức khỏe trong mùa thi?

BS Ngô Thị Kiều Nga: Nguyên tắc dinh dưỡng trong mùa thi trước tiên là bảo đảm đủ các chất dinh dưỡng. Cần lưu ý bữa ăn sáng rất quan trọng nên phải ăn và ăn tốt, không được bỏ bữa với bất kỳ lý do gì.

Có thể ăn bánh mì với trứng hoặc patê gan, kèm dưa chuột, rau thơm, bánh bao nhân trứng, bánh chưng, bánh đa kê đậu đường, uống sữa, cà phê sữa. Bảo đảm uống đủ nước: mỗi ngày cần uống đủ 1,5 - 2 lít nước (ngoài số nước có trong thức ăn). Cần ngủ trưa 30 phút - 1 giờ. Ngủ đêm tối thiểu 6 giờ (22 - 5 giờ). Nên ngủ sớm dậy sớm theo chu kỳ sinh học (không nên ngày ngủ đêm học).

Giờ ăn cũng cần được bảo đảm, ăn phải đúng giờ, khi thức ăn nóng, không tùy tiện sớm muộn thất thường. Không ăn vội vàng cho xong bữa, không vừa ăn vừa học, vừa ăn vừa xem tivi.

Lưu ý các thức ăn nên tránh như: bột ngọt, các loại xúc xích, lạp xưởng có chất bảo quản, thịt quay nướng (có bám mỡ cháy), các loại thức ăn nhiều muối mặn (cá biển, thịt khô ướp muối), các loại bánh kẹo dùng đường hóa học, các loại nước uống có cồn (bia, rượu), các chất kích thích (cà phê, chè đặc, thuốc lá).

Ngoài việc bảo đảm ăn ngủ tốt các em còn phải có kế hoạch học và nghỉ ngơi vận động hợp lý để thư giãn đầu óc như: nghe nhạc, xem tivi. Nhưng tránh nhạc giật gân, phim bạo lực để không làm căng thẳng thêm, nhất là trước khi đi ngủ. Nên tập thể dục sáng, tối, giữa giờ học.

Cần đảm bảo sức khỏe trong mùa thi. Ảnh: CK

Vệ sinh thân thể, không nên vì quá bận ôn thi mà các em sao nhãng việc tắm rửa và giặt giũ quần áo hằng ngày. Nhất là về mùa hè oi bức mồ hôi ra nhiều làm cơ thể ngứa ngáy khó chịu, chán ăn, khó ngủ... Tắm rửa sẽ còn có tác dụng kích thích thần kinh làm cho tỉnh táo, thoải mái, học sẽ hiệu quả hơn.

PV: Ngoài các nguyên tắc dinh dưỡng kể trên, BS có lời khuyên gì đối với các em?

BS Ngô Thị Kiều Nga: Nhiều em quan niệm bí đỏ, trứng, chuối,... là những thực phẩm cần “kiêng kỵ đặc biệt” trước và trong những ngày thi vì sợ “bí” không làm bài được, bị điểm không và “trượt vỏ chuối”. Tuy nhiên, bí đỏ là món ăn bổ não, có acid glutamic rất tốt cho trí nhớ và đặc biệt giàu tiền sinh tố A chống oxy hóa rất tốt; trứng là món ăn đặc biệt bổ dưỡng và thích hợp với trẻ em độ tuổi đang tăng trưởng, vì chứa nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao (cơ thể có khả năng hấp thu gần như hoàn toàn), có chất béo, canxi và nhiều loại vitamin. Trứng có thể chế biến nhiều kiểu (luộc, chiên, chưng...), nhiều vị, lại mềm dễ ăn và ít ngán...

Cần quan tâm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (món ăn phải nấu sôi chín kỹ, rau trái rửa sạch, không ôi thiu, quá hạn sử dụng,...) vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tức thời của các em. Nên ăn những món ăn quen thuộc hàng ngày vẫn dùng, không nên bổ sung món bổ, quý giá đặc biệt nhưng lạ bụng sẽ nguy hiểm vì có thể gây dị ứng, đau bụng, tiêu chảy hay khó tiêu,...

Một điều quan trọng nữa là bộ não chỉ được nạp lại đầy đủ năng lượng sau những giờ ngủ say đủ giấc, thức dậy tỉnh táo và khỏe khoắn, do đó tất cả các lưu ý trên đều rất cần để học sinh có được sức khỏe về thể chất và hoạt động não bộ tốt nhất trong những ngày thi căng thẳng.

Hữu Nghĩa
(Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục