Đồng Tháp tăng cường giải pháp đẩy lùi bệnh lao
Cập nhật ngày: 06/04/2024 05:24:06
ĐTO - Đến năm 2024, tỉnh Đồng Tháp có 3.336 bệnh nhân lao các thể được phát hiện, điều trị, cao thứ 5 cả nước và thứ 2/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngành y tế tỉnh tập trung triển khai chương trình chống lao (CTCL) Quốc gia kết hợp thực hiện Chiến lược phòng, chống bệnh lao, hướng tới chấm dứt bệnh lao trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vào năm 2035.
Bệnh viện Phổi Đồng Tháp tổ chức khám sàng lọc tầm soát bệnh lao tại huyện Cao Lãnh
Theo Bệnh viện Phổi Đồng Tháp, tỉnh hiện có yếu tố dịch tễ bệnh lao và số bệnh nhân lao được phát hiện, thu dung điều trị chiếm tỷ lệ cao so với cả nước. Một phần nguyên nhân là do Đồng Tháp nằm tiếp giáp với các địa phương có số ca mắc lao rất cao của Quốc gia như các tỉnh: An Giang (cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long), Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An và TP Cần Thơ. Cùng với đó, tỉnh còn giáp biên giới với tỉnh PreyVeng (Campuchia) - địa phương cũng ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh lao ở mức cao.
Là một đơn vị trong mạng lưới CTCL Quốc gia, Bệnh viện Phổi Đồng Tháp tăng cường tiếp cận công nghệ, kỹ thuật cập nhật được hệ thống y tế thế giới khuyến cáo. Đồng thời làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị lao với kết quả được nâng cao. Tiêu biểu là hệ thống nội soi phế quản, màng phổi, nội soi phẫu thuật lồng ngực, máy nuôi cấy vi lao môi trường loãng (Mgit 960), ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện tổn thương lao trên hình ảnh X-quang... Đặc biệt, Bệnh viện Phổi Đồng Tháp đã được cung ứng trang thiết bị và chuyển giao kỹ thuật để thực hiện xét nghiệm GeneXpert (kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử) chẩn đoán nhanh bệnh lao với độ chính xác rất cao. Bệnh viện được cung ứng máy X-quang kỹ thuật số xách tay để mở rộng hoạt động phát hiện chủ động trên cộng đồng, tiếp cận đến những khu vực khó khăn nhất.
Trong những năm qua, Bệnh viện Phổi Đồng Tháp, CTCL tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức triển khai, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sàng lọc sớm, phát hiện tích cực người nghi lao tại cơ sở y tế áp dụng chiến lược 2X, tầm soát người nhiễm lao tiềm ẩn bằng phương pháp xét nghiệm Tuberculin (TST) hoặc Gamma Interferon (IGRA). Ngoài ra, tổ chức sàng lọc và phát hiện sớm lao kháng thuốc cho 100% nhóm đối tượng nghi mắc lao kháng thuốc; đảm bảo 100% số người bệnh lao đa kháng phát hiện được thu dung điều trị bằng phác đồ thích hợp để hạn chế siêu và tiền siêu kháng thuốc. Hạn chế tối đa tỷ lệ bỏ trị, nâng cao tỷ lệ điều trị thành công lên 80 - 85%.
Trong năm 2023, được sự hỗ trợ của Dự án hỗ trợ chấm dứt bệnh lao USAID - SET, CTCL tỉnh đã phối hợp Tổ chức FHI 360 (Hoa Kỳ) triển khai chiến dịch quy mô lớn sàng lọc lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng trên toàn bộ địa bàn huyện Lấp Vò. Đồng thời tiếp tục nhận hỗ trợ từ Tiểu dự án Quỹ toàn cầu (RCSCH) thực hiện chiến dịch sàng lọc lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng trên địa bàn các huyện: Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự và TP Hồng Ngự. CTCL tỉnh đã thực hiện tầm soát lao tại cộng đồng cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao... Từ đó, phát hiện sớm người mắc lao tiềm ẩn, tư vấn và thu dung điều trị lao tiềm ẩn, hạn chế nguy cơ tiến triển từ người nhiễm lao sang lao hoạt động trong cộng đồng.
Từ cơ sở trên, tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao trên địa bàn tỉnh vào năm 2035. Trong đó, chú trọng hoạt động phát hiện chủ động bệnh nhân lao trong cộng đồng, phát hiện tích cực bệnh lao tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy. Ưu tiên phát hiện bệnh nhân lao bằng chiến lược “2X”sử dụng X-quang phổi và xét nghiệm Xpert để chẩn đoán bệnh lao theo hướng dẫn của CTCL Quốc gia. Tăng cường sử dụng xét nghiệm GeneXpert thông qua thiết lập hệ thống vận chuyển mẫu từ các cơ sở khám, chữa bệnh đến các cơ sở xét nghiệm để chẩn đoán có hiệu quả bệnh lao kết hợp với các kỹ thuật khác như: nuôi cấy vi khuẩn, kháng sinh đồ... Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo lại cho nhân viên y tế tuyến xã, phường, thị trấn và cộng tác viên khóm, ấp về kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe, chuyển gửi người nghi lao, lao tiềm ẩn đến cơ sở y tế để được khám phát hiện sớm.
Bệnh viện Phổi Đồng Tháp và các cơ sở y tế trong tỉnh tăng cường cập nhật các phác đồ điều trị thân thiện, ngắn ngày, giảm tác dụng phụ cho người bệnh, bệnh nhân mắc lao kháng thuốc; hỗ trợ bệnh nhân lao về dinh dưỡng, giường bệnh, xét nghiệm hay thuốc điều trị tác dụng phụ và chăm sóc giảm nhẹ trong suốt quá trình điều trị. Đảm bảo các cơ chế quản lý, mua sắm và cung ứng hóa chất, vật tư xét nghiệm, thuốc điều trị lao và hậu cần kỹ thuật phù hợp đảm bảo cung ứng kịp thời phục vụ công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Tháp, cho biết: “Bên cạnh hoạt động tầm soát, điều trị, ngành y tế tỉnh tiếp tục duy trì các dịch vụ phòng, chống lao; chủ động tiêm vắc-xin phòng, chống lao cho 100% trẻ sơ sinh thông qua Chương trình tiêm chủng mở rộng. Dự phòng lao cho các đối tượng là người nhiễm HIV, trẻ em dưới 5 tuổi có tiếp xúc thường xuyên với nguồn lây, người tiếp xúc bệnh nhân lao phổi được xác định nhiễm lao tiềm ẩn. Cùng với đó, triển khai công tác truyền thông rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép vào các hoạt động của các chương trình y tế khác, đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là những nhân viên y tế khóm, ấp làm công tác chống lao cần hiểu rõ nhiệm vụ của mình trong việc truyền thông cho người dân; phối hợp với mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội phát hiện người nghi mắc lao trong cộng đồng, cũng như các nhóm nguy cơ mắc lao cao, tư vấn đến cơ sở y tế làm xét nghiệm chẩn đoán”.
Để công tác phòng, chống lao đạt hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành y tế, mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết về cơ chế lây truyền, cách phòng bệnh; chủ động tiếp cận dịch vụ y tế sớm để chẩn đoán kịp thời khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc lao; tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ của CTCL khi mắc bệnh...
LÊ THANH