Giảm muối - tăng sức khỏe - vượt qua Covid-19
Cập nhật ngày: 27/03/2021 11:04:38
Bệnh không lây nhiễm là bệnh mãn tính bao gồm nhiều bệnh (tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, tâm thần....) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, là một trong những thách thức và gánh nặng bệnh tật chủ yếu của các nước trên thế giới trong thế kỷ 21. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đang xảy ra, đa số những người tử vong do Covid-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác.
Chính vì vậy, phòng, chống bệnh tim mạch là một chương trình y tế ưu tiên của các quốc gia, trong đó kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch là một nội dung quan trọng, đặc biệt là nguy cơ do ăn thừa muối.
Muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể, tuy nhiên, ăn thừa muối lại là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ngoài ra còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và nhiều rối loạn cho sức khỏe khác.
Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gam muối trong một ngày để phòng, chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe.
Hiện nay đa số người dân Việt Nam đang ăn thừa muối. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ tới 9,4 gam muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Để giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chúng ta nên thực hiện các biện pháp sau đây:
Cho bớt muối và các gia vị chứa nhiều muối vào thực phẩm khi sơ chế, tẩm ướp và nấu:
Hãy giảm từ từ cho đến khi còn một nửa lượng muối và gia vị nhiều muối mà bạn thường dùng.
Hãy nếm thức ăn trước khi muốn cho thêm muối và gia vị nhiều muối.
Hãy dùng dụng cụ để kiểm soát được lượng muối và gia vị nhiều muối cho vào thực phẩm.
Không cho muối và gia vị nhiều muối vào nước luộc rau.
Tăng cường các món canh, luộc, hấp thay vì các món kho, rim hay rang.
Dùng các gia vị khác (tiêu, tỏi, ớt..) để thức ăn ngon hơn mà không cần dùng nhiều muối.
Hãy tự nấu ăn ở nhà để có thể kiểm soát được lượng muối cho vào thức ăn.
Chấm nhẹ tay:
Hạn chế để muối và nước chấm trên bàn/mâm khi ăn.
Pha loãng nước chấm, hạn chế chấm và bỏ thói quen chấm ngập thực phẩm vào muối và nước chấm khi ăn.
Không chấm các món đã mặn (món kho/rim/, dưa/cà/thịt/cá muối...) vào muối hay nước chấm.
Không ăn trái cây chấm với muối và gia vị nhiều muối.
Không nên rưới nước mắm, nước kho cá/thịt, nước sốt vào cơm.
Không nên cố uống hết nước phở, bún, miến... nhất là khi ăn ở hàng quán.
Giảm ngay đồ mặn:
Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như bánh mì, nem, chả, đồ hộp, thức ăn nhanh...
Tăng cường các thực phẩm tự nhiên như rau cải, trái cây, thịt cá tươi...
Hãy đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua, nên sử dụng muối và gia vị nhiều muối ít Natri trong thành phần.
(Bs.Mỹ Hạnh - TTKSBT Đồng Tháp trích nguồn Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh)