Giữ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng
Cập nhật ngày: 24/03/2014 03:45:00
Từ đầu tháng 3/2014 đến nay, vào những buổi trưa, khí hậu trên địa bàn tỉnh thường trở nên oi bức, dẫn đến nhiều người mắc bệnh có liên quan đến nắng nóng, nhất là trẻ em.
Bệnh nhi nhập viện do thời tiết nắng nóng tại Bệnh viện
Đa khoa Đồng Tháp
Nhiều trẻ nhập viện
Những ngày gần đây, tại khu khám nhi (Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp), nhiều trẻ được phụ huynh đưa vào khám và điều trị với các bệnh có liên quan đến thời tiết nắng nóng như: sốt, cảm, thủy đậu,... Phần nhiều các bé này có độ tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi. Trung bình một ngày, khu khám nhi khám và điều trị ngoại trú cho trên 200 trẻ, nội trú 20 trẻ. Số lượng bệnh nhi đến Khoa Nhi khám chỉ mới nửa đầu tháng 3 nhưng lưu lượng bệnh đã gia tăng hơn so với cả tháng 2.
Cụ thể, tháng 2 có trên 8,8 ngàn bệnh nhi đến khám nhưng chỉ nửa đầu tháng 3 có gần 6,5 ngàn bệnh nhi. Trong đó, có nhiều trẻ bị nhiễm siêu vi, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính với các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi. Ngoài ra, bệnh nhi bị viêm phổi trong 2 tuần đầu tháng 3 trên 1 ngàn ca, trong khi cả tháng 2 chỉ có 1.358 ca.
Mùa nắng nóng năm nay cũng có sự gia tăng đột biến của bệnh thủy đậu. Nếu tháng 1, Khoa Nhi, BVĐK Đồng Tháp chỉ có 38 ca điều trị bệnh thủy đậu và tháng 2 có 61 ca thì chỉ 2 tuần đầu tháng 3 có đến 72 ca thủy đậu. Từ đầu tháng 3 đến ngày 21/3, bệnh viện cũng tiếp nhận 8 ca bệnh sởi. Bệnh tay chân miệng mặc dù xảy ra quanh năm nhưng vào nửa đầu tháng 3, Khoa Nhi tiếp nhận và điều trị cho 452 ca, trong khi cả tháng 2 chỉ có 453 ca. Có nhiều trường hợp trong quá trình điều trị tại Khoa Nhi, do bệnh lý diễn biến nặng như: viêm phổi nặng, những bệnh lý nhiễm trùng, viêm tiểu phế quản,... phải chuyển qua Khoa Cấp cứu Nhi - Sơ sinh tiếp tục điều trị.
Có những trường hợp các bé trong quá trình điều trị bệnh viêm phổi 5 - 7 ngày, đúng theo phác đồ điều trị, hết viêm phổi, buổi sáng bác sĩ ký hồ sơ cho xuất viện thì chiều bé bị tiêu chảy, ói,... (do lây bệnh từ các bé đang bị bệnh chung phòng) nên phải vào lại tiếp tục điều trị thêm gần 1 tuần lễ.
Theo bác sĩ Đoàn Thị Thu Thủy - Trưởng Khoa Nhi, BVĐK Đồng Tháp, trước tình trạng nhiều trẻ nhập viện, Khoa đã cho phần lớn bệnh nhân ở khu vực TP.Cao Lãnh điều trị ngoại trú, còn những bệnh nhân ở xa đến và bệnh nhân nặng sẽ được nhập viện theo dõi điều trị. Cách làm này vừa hạn chế được tình trạng trẻ bệnh nhẹ vào nằm viện điều trị sẽ dễ bị lây nhiều bệnh bởi những trẻ khác đang mắc, vừa hạn chế tình trạng quá tải của bệnh viện.
Để phòng ngừa bệnh cho trẻ trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Thủy khuyên: Nếu như nghi trẻ sốt, không có sẵn nhiệt kế đo độ cho trẻ thì phụ huynh cần sờ trán trẻ, thấy trán nóng nên lấy khăn nhúng nước ấm lau trán, háng, nách và cho trẻ mặc đồ thông thoáng; nếu mặc đồ dầy sẽ tạo nên tình trạng tăng nhiệt độ của trẻ dẫn đến trẻ bị sốt, co giật. Khi xác định trẻ sốt thì cho uống thuốc hạ sốt (thuốc paracetamol). Nếu trẻ lên cơn co giật nên bình tĩnh, tiếp tục lau mát tích cực cho trẻ, tốt nhất là dùng viên thuốc hạ sốt đặt hậu môn (thuốc được để trong tủ lạnh) cho trẻ. Khi trẻ co giật tuyệt đối không nên nhỏ giọt chanh, nước sả, vì trong lúc co giật trẻ uống sẽ bị sặc, ngưng thở. Sau khi trẻ được lau nước nóng, uống thuốc hạ sốt, phụ huynh sớm đưa trẻ vào cơ sở y tế gần nhất.
Chủ động chống nóng bảo vệ sức khỏe
Dù thời tiết nắng nóng nhưng cũng có tình trạng trẻ vui chơi ngoài đường, những nơi trời nắng, làm trẻ dễ bị cảm do say nắng. Theo bác sĩ Đoàn Thị Thu Thủy, để tránh trẻ bị cảm, sau khi trẻ ra nắng, phụ huynh nên lau khô mồ hôi rồi mới tắm trẻ. Khi trẻ đi chơi về đổ mồ hôi hay nằm ngủ hứng quạt trực tiếp vào người cũng rất dễ bị cảm lạnh. Đối với những bé nhũ nhi, cần cho bé tăng cường bú mẹ nhằm tạo nguồn kháng thể, tăng sức đề kháng để bé chống đỡ lại bệnh tật trong thời gian bé có sức đề kháng kém, đặc biệt là lúc thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga - Trưởng Khoa Dinh dưỡng, BVĐK Đồng Tháp cho biết, để phòng các bệnh mùa nắng nóng, khâu vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm là những việc hết sức quan trọng. Đối với trẻ nhỏ cần tắm rửa hằng ngày và lưu ý lau khô cơ thể để tránh ẩm ướt da làm cho vi khuẩn dễ phát triển gây viêm da.
Mọi người không tắm biển hoặc sông, suối vào lúc còn nắng gắt. Những đối tượng có nguy cơ say nắng cao, say nóng nên chuẩn bị sẵn nước uống có pha thêm một ít muối ăn, đồng thời tăng cường bổ dưỡng bằng các loại rau, quả tươi; không uống nước chưa được đun sôi, không ăn, uống các loại thức ăn, nước giải khát bán dạo không đảm bảo vệ sinh vì thời điểm nắng nóng cũng tạo siêu vi trùng trong thức ăn, nước uống, nếu ăn phải dễ bị bệnh lý về đường ruột; không nên uống nhiều nước ngọt vì loại nước này có thể làm cho cơ thể dễ mất nước, cũng không nên uống quá nhiều các loại nước có chứa chất cafein, các loại nước có gas, chất uống có cồn,... vì các loại nước này làm tim đập nhanh, huyết áp tăng, mệt mỏi, gây giãn mạch dưới da, tiểu nhiều khiến cho cơ thể dễ mất nước và làm tăng thân nhiệt.
Nếu phải ra ngoài khi trời nắng nóng, chú ý mặc quần áo rộng, vải bông nhẹ dễ hấp thụ mồ hôi và cách nhiệt tốt. Màu sắc quần áo nên chọn màu trắng hoặc màu dịu, không nên mặc các màu hấp thụ nhiệt tốt như màu đen, màu sẫm, màu đỏ,...; mang đủ nón, kính râm, ô,... khi đi ra ngoài nắng. Nếu phải làm việc hoặc đi lại nhiều ngoài trời nắng nóng, nên chủ động có những khoảng nghỉ giải lao 15 - 20 phút tại những nơi mát mẻ thoáng đãng, uống đủ nước cho cơ thể hồi phục; tránh làm việc liên tục dễ bị kiệt sức, đột qụy do nắng nóng.
Hữu Nghĩa
Kỹ sư Khương Lê Bình - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Tháp cho biết, những ngày gần đây, do ảnh hưởng của áp thấp nóng phía Tây nên thời tiết các nơi trong tỉnh đã tăng khá cao, nhiệt độ vào buổi trưa đạt mức 34 - 350C. Mùa khô năm nay có khả năng kết thúc vào khoảng giữa tháng 5, muộn hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 ngày. Hiện nay thời tiết mới bắt đầu bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, từ nay đến giữa tháng 5, nhiệt độ các nơi trong tỉnh còn tiếp tục tăng cao, nhiệt độ những ngày nắng nóng nhất sẽ đạt mức 36 - 370c, xuất hiện vào giữa và cuối tháng 4, đầu tháng 5. |