Hiểu rõ hơn về bệnh liên cầu lợn
Cập nhật ngày: 05/04/2023 10:53:36
ĐTO - Bệnh liên cầu lợn do một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Dựa vào đặc điểm của các polysaccharid ở lớp vỏ bọc vi khuẩn, người ta đã xác định vi khuẩn có 35 týp huyết thanh. Trong đó, S.suis týp II thường gây bệnh ở người. Bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế.
Hình ảnh liên cầu khuẩn (Ảnh: Internet)
S.suis chủ yếu sống ở lợn nhà nhưng đôi khi cũng có ở các loài lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim... Vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn. Các động vật khác có khả năng truyền bệnh bao gồm: ruồi, gián, chuột.
S.suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.
Trên thế giới, người nhiễm liên cầu lợn đầu tiên được phát hiện vào năm 1960. Ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003. Trong vài năm đầu, chỉ có khoảng 10 bệnh nhân vào Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia. Trong 2 năm 2005 - 2006, có 72 trường hợp nhiễm S.suis nhập viện tại Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Nhưng năm 2007, có tới hơn 48 ca (22 ca ở miền Bắc, 20 ca ở miền Nam, 6 ca ở miền Trung) được chẩn đoán bị bệnh liên cầu lợn. Năm 2015, cả nước ghi nhận 96 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó có 13 người tử vong (tăng 51 trường hợp và tăng 5 người tử vong so với năm 2014). Từ đầu năm 2023 tới nay, bệnh đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành trong cả nước, trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện 2 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn trên người.
Triệu chứng:
Biểu hiện thường gặp: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác... xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể.
Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.
Trường hợp nặng: sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong. Tỷ lệ chết có thể tới 7%.
Những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao: người làm việc ở trại chăn nuôi lợn, người giết mổ gia súc, cán bộ thú y, người ăn tiết canh lợn hoặc ăn thịt lợn ốm chết.
Để chủ động phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân cần thực hiện:
Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh hoặc không rõ nguồn gốc. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế Thế giới - WHO khuyến cáo trên 700 độ C). Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết đặc biệt ở những người có vết thương hở khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Mỹ Hạnh - CDC Đồng Tháp